Nghe chuyên gia nói về những điều mạo hiểm nên thử trong đời
Những câu chuyện của những doanh nhân thành đạt đã trải nghiệm giúp bạn có thêm quyết tâm, hy vọng và những điều mới mẻ, dám đối đầu với mạo hiểm để tiến tới thành công trong cuộc sống.
Một số người bẩm sinh đã thích mạo hiểm – họ sẵn sàng gia nhập một công ty mới ra đời, nhận một công việc mà họ đam mê, hay nhận một ứng viên không thật sự lý tưởng nhưng có tiềm năng vào làm việc.
Nhiều khi nỗi lo sợ thất bại khiến chúng ta không thể tiến xa trong sự nghiệp. Liệu có những rủi ro có thể tính toán được và thật sự đáng để thử? Chúng ta có thể tận dụng nỗi sợ để tiến về phía trước hay không? Một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Linkedln đã bình luận về chủ đề này và đây là phần tư vấn của hai người trong số họ:
Jeff Haden – chủ sở hữu BlackBird Media.
“Điều mà hầu hết chúng ta đều có thừa là gì? Là sự hối tiếc,” Haden viết trong bài có tựa đề ‘Những sự mạo hiểm lớn mà ai cũng nên thử (ít nhất một lần)’.
“Chúng ta luôn có thể khắc phục, học hỏi và làm nên từ những sai lầm.” Tuy nhiên, không làm gì chính là một sai lầm. “Khi bạn không làm gì, điều đó có nghĩa là bạn không có gì để cải tiến, cứu chữa hay phát hiện.”
Dĩ nhiên, có sự khác biệt giữa mạo hiểm khôn ngoan và mạo hiểm ngu ngốc. Haden nêu ra năm ‘mạo hiểm khôn ngoan mà chúng ta nên thử một lần trong đời’. Trong đó có:
“Tuyển dụng hay cất nhắc một người mà bạn không nên tuyển hay cất nhắc.” Haden thăm dò ý kiến không chính thức những người bạn doanh nhân của ông và “mỗi người trong số họ đều nói rằng ít nhất một trong những nhân viên xuất sắc nhất của họ là người mà họ đánh cược với rủi ro,” ông viết.
“Ai đó không đáp ứng đủ điều kiện, không đúng ngành nghề hay quá trẻ, quá ít kinh nghiệm, quá mới trong ngành.” Những doanh nhân này nói với Haden rằng họ “chấp nhận mạo hiểm bởi vì họ có linh cảm… họ nhìn thấy một phẩm chất nào đó… họ thích cách nghĩ, nhiệt huyết, sự thông minh hay đạo đức của người đó”.
“Hãy xin lỗi về lỗi lầm lớn mà bạn đã phạm phải.” Những điều nhỏ thì dễ nhìn nhận hay xin lỗi, Haden viết. “Nhưng đôi khi chúng ta làm điều gì đó quá sai, quá lớn… khiến chúng ta không muốn nói lời xin lỗi. Chúng ta quá xấu hổ. Quá mất mặt. Quá hổ thẹn. Do đó chúng ta trốn tránh, thường là trong nhiều năm. Chúng ta mong rằng rồi chuyện đó sẽ qua đi,” ông viết.
“Nhưng mọi chuyện lại không diễn ra như thế. Và hễ mỗi lần nghĩ về nó, chúng ta lại cảm thấy buồn hơn về bản thân mình… Cho nên bạn hãy nói lời xin lỗi… Bạn có thể bị quát mắng. Bạn có thể bị sỉ nhục. Nhưng bạn sẽ cảm thấy dễ chịu vì cuối cùng bạn đã dũng cảm nhận sai. Và bạn có thể khôi phục lại tình bạn hay mối quan hệ mà bạn nghĩ rằng đã bị tổn thương quá nhiều không thể sửa chữa được.”
“Hãy đối mặt với một trong những điều khiến bạn sợ hãi nhất”. “Bất cứ ai muốn làm được điều gì đó lớn lao đều rất căng thẳng,” Haden viết. “Những người làm được việc không phải là những người dũng cảm hơn người khác, họ chỉ tìm sức mạnh để tiến về phía trước. Họ nhận ra rằng nỗi sợ khiến họ bị tê liệt, còn việc có hành động lại khiến họ tự tin.” Vậy thì bạn nên làm gì? “Hãy chọn một điều gì đó bạn thích làm nhưng lại sợ làm. Đừng cố gắng vượt qua nỗi sợ. Hãy chấp nhận sự thật rằng bạn sẽ sợ. Và sau đó cứ thực hiện nó.”
Nick Mills – chuyên viên tư vấn cấp cao của Eureka Training
Nếu hai người đều được đào tạo tốt như nhau, đều có tham vọng và triển vọng như nhau thì đâu là khác biệt khiến một người thành đạt còn người kia thì không?
“Tất cả chỉ là một điều đơn giản,” Mills viết trong bài có tựa đề ‘Sợ thất bại? Hãy đối mặt với nó’.
“Đầu óc của những người thành đạt và không thành đạt khác nhau ở cách họ nhìn nhận sự thay đổi cá nhân.”
“Carol Dweck, nhà tâm lý học ở Đại học Stanford phát hiện ra rằng sự thành đạt tất cả là do ở cách suy nghĩ. Những người thành đạt sẽ tập trung vào sự thăng tiến, giải quyết vấn đề và tự cải thiện bản thân, còn những người thất bại sẽ cho rằng khả năng của mình là phẩm chất có sẵn và do đó không chấp nhận thách thức,” Mills viết.
“Quan trọng hơn, người thành đạt không xem thất bại là thất bại. Họ xem đó là cơ hội để học hỏi, thích nghi và trở nên tốt hơn.”
Vậy làm sao để thay đổi cách nghĩ của chính mình? Mills đề xuất tám cách làm thực tế. Trong đó có:
“Hãy tránh việc dùng những cách nói tự hạ thấp bản thân… Nếu bạn cảm thấy không được khỏe, đừng la lớn lên cho mọi người biết,” Mills viết. “Thay vào đó, hãy nói, ‘Tôi lẽ ra đã có thể có nhiều năng lượng hơn’. Tránh dùng những từ ngữ mang tính giới hạn. Đừng bao giờ nói ‘không thể’ khi nói về mình. Thay vào đó, hãy nói ‘Khi tôi có thể…’ Các từ khác mang tính giới hạn gồm cả các từ hy vọng là, có lẽ là, một ngày nào đó, có thể.”
“Hãy bắt đầu và chấm dứt một ngày mới một cách tích cực.” Trước khi đi ngủ, hãy cảm ơn mình vì đã có một ngày hạnh phúc,” Mills viết, “Khi thức dậy, điều đầu tiên vang lên trong đầu bạn nên là ‘Tôi cảm thấy thật tuyệt, thật hạnh phúc được sống. Tôi biết rằng ngày hôm nay sẽ là một ngày tốt đối với tôi.”
“Hãy nhìn xa hơn mục tiêu. Nếu tất cả những gì bạn muốn là giành được một khách hàng nào đó và với việc xem đây là kế hoạch của mình rồi suy nghĩ về nó hàng ngày thì bạn sẽ chắc chắn đạt được mục tiêu. Nhưng nếu bạn đặt ra kế hoạch lớn hơn nhiều so với mục tiêu cơ bản của bạn – chẳng hạn như giành được thêm mười khách hàng lớn trong năm nay – bạn sẽ kích hoạt một số lợi thế tâm lý tích cực,”
Mill viết. “Nếu bạn mộng mơ và mong ước điều gì đó lớn hơn thì mục tiêu ban đầu của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn và dễ đạt được hơn.”
Chắc hẳn những câu chuyện trên sẽ là lời khuyên hữu ích cho bạn đúng không?
(Theo BBC)