Chia sẻ 55 câu chuyện về giáo dục: Từ câu chuyện thứ 06 đến 10

0
2548

Chia sẻ 55 câu chuyện về giáo dục: Từ câu chuyện thứ 06 đến 10

Chiasemeohay.com sưu tầm và chia sẻ với các bạn 55 câu chuyện về giáo dục hay và nhiều ý nghĩa. Đọc và cùng cảm nhận nhé..

Câu chuyện thứ sáu: Tôn trọng người khác

Tiếp xúc bằng ánh mắt. Khi ai đó đang nói, em hãy luôn nhìn vào người ấy. Còn khi ai đó nhận xét điều gì, em hãy quay lại và nhìn thẳng vào người ấy.

Tiếp xúc bằng ánh mắt là điều rất nhiều người cảm thấy khó làm, nhưng đó lại là điều quan trọng khi em muốn lấy điểm với người khác và cho họ thấy em rất nghiêm túc đối với những gì em nói. Chẳng hạn khi ai đó tìm gặp ông chủ của mình và đề nghị ông ta tăng lương, ông ta chắc sẽ quan tâm đến người ấy nếu người ấy nhìn thẳng vào mắt ông ta hơn là cúi nhìn xuống phía dưới. Nếu bạn đưa ra một đề nghị kinh doanh, mọi người chắc sẽ tin bạn và tin vào những ý tưởng của bạn nếu họ thấy bạn tỏ ra tự tin và nhìn thẳng vào mắt họ.

Thầy đã dành nhiều thời gian khuyến khích các học trò của thầy tiếp xúc bằng ánh mắt. Để thực tập, thầy đã chia lớp thành từng nhóm hai người một. Rồi thầy nói với các em rằng tiếp xúc bằng ánh mắt khi ta nói sẽ giúp điều ta đang nói được nhấn mạnh hơn và có nhiều cảm xúc hơn. Khi ta nhìn đi chỗ khác hay đưa mắt nhìn xuống dưới thì điều này cho thấy ta không tự tin vào những điều ta đang nói và rằng có thể là ta đang không nói thật.

Thầy cũng nói với các bạn ấy rằng mắt cứ láo liên nhìn quanh có nghĩa là đang không trung thực. Khi học trò đã đứng thành từng nhóm xong, thầy cho các bạn ấy tập nói chuyện với nhau và nhận xét xem việc tiếp xúc bằng ánh mắt với những đồng nghiệp của mình có hiệu quả như thế nào.

Tiếp xúc bằng ánh mắt không chỉ là cách tỏ cho thấy sự tự tin mà còn là cách quan trọng để bày tỏ sự tôn trọng. Trong lớp, khi một học sinh phát biểu thì thầy yêu cầu các học sinh khác quay nhìn và tập trung vào bạn này. Thầy không cho phép các học sinh khác giơ tay để nói chen khi bạn này còn chưa nói xong, bởi vì nếu làm như thế thì xem ra các em quan tâm đến điều mình muốn nói hơn là điều mà người khác nói. Thầy nói các em thử hình dung xem điều gì sẽ xảy ra khi mình đang cố diễn đạt ý tưởng còn mọi người chung quanh lại chẳng ai vỗ tay. Điều đó hẳn khiến các em cảm thấy giống như những ý kiến của mình chẳng có giá trị gì, và bởi vậy chúng ta không làm điều ấy.

Thầy đã từng làm việc ở một điểm bán thức ăn nhanh, làm bánh và phục vụ bàn trong nhiều nhà hàng khác nhau. Phục vụ khách có thể là một điều thú vị nhưng cũng có thể là một cực hình, nhất là khi phải tiếp xúc với những khách hàng khó tính.

Thầy còn nhớ mình đã từng yêu thích công việc này biết bao khi khách hàng nhìn thẳng vào mắt mình để đặt món ăn. Nhìn thẳng vào mắt một người là tỏ ra tôn kính người ấy hơn. Khi họ rời tiệm ăn, thầy luôn chờ đợi họ nói lời cảm ơn mình, nhưng có nhiều người lại đã không làm thế, và điều này làm thầy buồn lòng. Họ đang nghĩ gì vậy? Nhiều người cũng nói lời cảm ơn nhưng là vào lúc họ vội vã quay người bước ra khỏi quán. Sao ta lại không dành một giây để nhìn thẳng vào mắt một người và nói lời cảm ơn nếu như ta đã có ý làm điều này nhỉ?

Thầy cố gắng sao cho các học sinh của thầy thực tập điều này với những người lớn khác nhau không phải là các thầy cô trong trường. Những người lao công, những người bán căngtin, những nhân viên đánh máy thường ít được tôn trọng như mức dành cho thầy cô giáo, và thầy đã làm hết sức mình để thay đổi hình ảnh này trong đầu óc học sinh của thầy.

Thầy giảng giải cho học sinh về vai trò của từng con người trong nhà trường và công việc của họ góp phần như thế nào để các em có thể nhận được một môi trường giáo dục tốt nhất. Rồi thầy cũng nói cho các bạn ấy biết là mọi người đều sẽ cố gắng làm việc tốt hơn lên nếu cảm thấy mình được tôn trọng, và như thế là mọi người đang tạo ra sự thay đổi. Thầy cố gắng làm một tấm gương cho học sinh bằng cách cư xử thân thiện và tôn trọng đối với mọi thành viên trong ban giảng dạy của trường. Không khó khăn lắm các em học sinh đã làm theo thầy, và kết quả luôn thật hiển nhiên.

Khi xuống nhà ăn, học sinh đã tự xếp hàng và không cho phép mình nói chuyện khi lấy thức ăn, các em đã biết nhìn thẳng vào mắt những người phục vụ và lễ phép hỏi xin mỗi khi các em cần điều gì. Các em cũng luôn biết nói lời cảm ơn những người phục vụ và chúc họ một ngày làm việc tốt đẹp. Những người phục vụ cũng đã luôn khen ngợi lớp học của thầy là tuyệt vời và nói họ đã được tôn trọng đúng mực.

Bất kể cách ta quan hệ với những người quanh ta như thế nào, cũng như bất kể điều gì ta nói với họ thì ta cũng sẽ được coi trọng hơn và hành động của ta cũng sẽ được đánh giá đúng nếu có sự tiếp xúc bằng ánh mắt.

Câu chuyện thứ bảy: Luôn nói lời cảm ơn

Hãy luôn nói lời cảm ơn khi thầy cho em cái gì. Nếu sau 3 giây mà em không nói cảm ơn thì thầy sẽ lấy lại cái ấy. Không thể có bất cứ lý do nào để biện minh cho thái độ thiếu cảm kích của mình cả.

     Theo thầy, nói lời cảm ơn chẳng là điều gì quá to tát. Không biết đã đến lần thứ bao nhiêu rồi thầy buộc phải lấy lại cái mà thầy đã cho học sinh chỉ bởi vì các em quên nói lời cảm ơn. Thầy lấy lại mà học sinh vẫn cứ vô tư nghĩ rằng thầy chỉ đùa chơi, lát sau thể nào thầy cũng đưa lại. Nhưng chuyện này không bao giờ xảy đến. Để cho qui tắc này trở nên có hiệu lực, ta cần phải thực thi nó một cách nghiêm túc và đôi khi việc này cũng rất khó.

     Có lần, một học sinh nữ cùng bốn bạn nữa được thưởng một chồng vở vì đã giành được điểm cao trong kiểm tra môn xã hội. Cô bé quá xúc động nên cứ nhảy cẫng lên vì vui sướng. Các bạn khác trong lớp nhanh chóng nhận ra là bạn ấy quên nói lời cảm ơn, và thầy buộc phải lấy lại phần thưởng vừa trao tặng.

     Việc này làm thầy đau lòng nhưng luật đã đưa ra thì không thể làm trái luật. Thầy phải nhất quán với chính bản thân mình cũng như với mọi học sinh của thầy. Trẻ hiểu rõ điều này nên hiếm khi phàn nàn mỗi khi thầy lấy lại những gì thầy vừa cho. Trẻ hiểu đó là một qui tắc mà ngay từ đầu thầy đã nói công khai nó sẽ được thực thi ra sao.

     Mới đây thầy nói chuyện với một cô giáo dạy lớp 12 ở một trường trung học. Cô đến tìm gặp thầy. Cô nói cô thường đem đến niềm thích thú hay phần thưởng cho các cô cậu học sinh đã lớn của mình, và rằng có một nhóm học sinh trong lớp của cô luôn đáp lại cô với một lời cảm ơn. Một lần cô khen các bạn này thật lễ phép thì các bạn ấy đều nói phải lễ phép thôi bởi vì thầy giáo lớp 5 đã khắc ghi điều này trong các em.

     Một học sinh còn nhớ khi còn học lớp 5 có lần được thưởng một cây kẹo que, nhưng bạn ấy còn chưa kịp bỏ vào miệng thì thầy đã lấy lại bởi vì bạn ấy quên nói lời cảm ơn. Bạn ấy nói sau đó thầy đã nhét cây kẹo vào miệng bạn ấy và với vẻ thất vọng thầy quay lại tiếp tục giảng dạy. Sự việc đã in sâu trong tâm trí và bạn ấy thề sẽ không bao giờ được quên nói lời cảm ơn lần nào nữa.

     Trong cuộc sống thường nhật của mình, thầy luôn cố để đừng quên nói lời cảm ơn với bất cứ ai mà thầy có liên hệ như bác nhân viên kiểm tra, chị phục vụ vệ sinh, em học sinh giữ cánh cổng trường giúp thầy bước vào, người bạn làm một việc giúp thầy, hay bất cứ ai đem lại cho thầy một điều gì đó bất kể lớn hay nhỏ đi nữa.

     Ở trường, thỉnh thoảng bác lao công phải chùi rửa các lớp học vào ban đêm. Thầy luôn cảm thấy ngạc nhiên đến hài lòng khi bước vào lớp học vừa được quét dọn tươm tất, và một vài lần thầy đã tìm gặp bác để nói lời cảm ơn vì bác đã làm công việc của mình tốt đến thế. Bác dường như luôn tỏ ra ngạc nhiên sao thầy lại cảm ơn bác chỉ vì bác đã làm tốt công việc của mình.

     Dù sao thầy cũng có thể nói rằng bác rất cảm kích vì điều này, và thầy bắt đầu để ý thấy là lớp học của thầy đã luôn được chùi rửa sạch sẽ hơn trước.

Câu chuyện thứ tám: Luôn nghĩ cách tạo ra những việc tốt bất ngờ, ý nghĩa

Hãy gây ngạc nhiên cho người khác bằng những việc tốt bất ngờ. Ít nhất mỗi tháng một lần hãy ra khỏi nếp sống thường nhật để làm một việc tốt, việc nhân ái bất ngờ nào đó cho người khác. Tất cả bọn trẻ đều thích qui tắc này, và dường như đó là một ý tưởng độc đáo và nó thật sự đem lại nhiều niềm vui nhất.Có điều đây lại là một trong số những qui tắc khó thực hiện nhất khi ta muốn tuân giữ. Trong cuộc sống thường nhật của mình, chúng ta quá bận rộn đến mức chẳng còn thời gian để ngồi lại và nghĩ đến chuyện làm một điều gì gây ngạc nhiên cho ai đó.

     Thường nếu như không phải là sinh nhật của ai hay một dịp đặc biệt, thì chẳng mấy ai cảm thấy có nhu cầu thoát khỏi nếp sống quen thuộc hằng ngày để làm một điều đặc biệt gì đó cho người khác. Tuy nhiên, thầy cảm thấy thời điểm tốt đẹp nhất để đem đến một sự ngạc nhiên thú vị cho ai đó lại chính là lúc người ấy không chờ đợi nhất. Làm cách này, người nhận biết rõ bạn làm không vì bị bó buộc mà vì bạn muốn làm.

Ngạc nhiên mà thầy nói ở đây vượt xa hơn là tặng ai đó một món quà mà là có nhiều chất trí tuệ và ý nghĩa hơn kia. Thầy nói với học sinh của thầy rằng các em có thể lau chùi, dọn dẹp nhà cửa hay rửa chén bát mà không chờ được yêu cầu. Các em có thể làm những việc vặt hay đọc sách cho một người hàng xóm lớn tuổi hay có thể mang hoa tươi đến cho ai đó. Các cơ hội để làm việc tốt thì ở khắp quanh ta.

Niềm mong muốn gây ngạc nhiên cho người khác của thầy xuất phát từ cách cha mẹ thầy đã thường xuyên dành những bất ngờ cho chị thầy và thầy. Thầy nhớ khi nhìn thấy hai người thoát khỏi nếp sống thường nhật của mình để làm những việc tốt lành và bất ngờ cho hai chị em, thầy đã cảm thấy mình đặc biệt và được yêu thương như thế nào.
Và thầy tự hứa khi lớn lên thầy sẽ làm những điều tương tự cho mọi người quanh mình. Khi thầy trở thành thầy giáo, thầy thấy mình đã bỏ một phần tiền lương mỗi tháng mua sách làm phần thưởng và nhiều thứ khác nữa cho học sinh. Những bất ngờ nho nhỏ ấy rất được trẻ yêu thích. Ở đây thầy muốn kể với các em câu chuyện của một thầy giáo trẻ ở Bắc Carolina bên nước Mỹ, qua lời kể của chính nhân vật trong câu chuyện.

oOo

…Tôi đã cùng bọn trẻ bắt tay vào một dự án vốn dẫn đến một bất ngờ lớn mà tôi có can dự vào. Điều này đã mãi mãi làm thay đổi cuộc sống của tôi và của các em học sinh.

Mọi chuyện bắt đầu khi tôi giảng bài cho các em về nhật báo, và các em tỏ ra lúng túng không hiểu các trang rao vặt được tiến hành như thế nào. Tôi quyết định cho các em tự đi đăng quảng cáo trên báo để bản thân các em ấy có thể hiểu công việc này được tiến hành ra sao. Tôi cho mỗi em cầm tiền đi đăng quảng cáo, bởi tôi muốn dành quyền làm chủ dự án cho các em ấy. Rồi tôi hướng dẫn các em đến tòa báo xin đăng quảng cáo.

Lập tức, các em muốn rao bán một chiếc xe Lexus trong mục rao vặt về xe hơi, nhưng sau tôi lưu ý các em ấy: “Chúng ta đâu có chiếc xe Lexus nào đâu”. Cuối cùng, thầy trò quyết định đăng một câu đố và đề nghị người đọc viết lời đáp. Câu đố đầu tiên của thầy trò là: “Đảo nào lớn nhất trên thế giới? Nếu bạn biết, xin vui lòng hồi âm cho lớp chúng tôi” và bên dưới kèm theo địa chỉ.

Từ hôm ấy, ngày ngày, thầy trò cùng ngóng chờ xem có thư từ nào hồi âm không. Thật ngạc nhiên, thầy trò nhận được 10 lá thư của những người khác nhau ở nhiều khu vực. Bọn trẻ rất thích điều này bởi không ai đã có được câu trả lời đúng, và chúng viết thư gửi lại cho mỗi người kèm theo câu trả lời đúng là đảo Greenland.
Bọn trẻ tỏ ra rất phấn khích với những lá thư nhận được đến mức chúng quyết định đăng tiếp nhiều câu đố trên các báo khắp tiểu bang. Dự án đã không còn là một bài học về rao vặt trên báo nữa mà là việc các em học sinh đang được mở mang kiến thức từ những người viết thư đến lớp chúng tôi. Để có nhiều thư trả lời, thầy trò lại còn viết các bảng hiệu và chuyển đến cho các siêu thị địa phương, thậm chí còn gửi câu đố cho cả đài truyền thanh.
Rất sớm sau đó, thầy trò chúng tôi đã nhận được hàng tá thư mỗi ngày từ khắp tiểu bang gửi đến. Người gửi có khi là bác sĩ, luật sư, những chủ trang trại giống ngựa Ả Rập và biết bao người khác từ đủ ngành nghề khác nhau. Bằng cách này, các em học sinh ở một thị trấn nhỏ với 600 dân đang được học hỏi về cuộc sống bên ngoài thị trấn của mình. Toàn bộ tiến trình này là điều thiết yếu cho trẻ vốn có quá ít kinh nghiệm về cuộc sống bên ngoài cộng đồng của mình.
Bọn trẻ tỏ ra cực kỳ thích thú với dự án này đến mức một hôm có một bạn tên là Luke nói: “Thầy ạ, em nghĩ chúng ta cần bước ra toàn cầu với dự án này”. Ý bạn ấy muốn nói là cần đăng câu đố trên một tờ báo phát hành khắp thế giới. Một ý kiến xem ra rất hay! Thế là tôi quyết định cử Luke liên hệ với văn phòng của báo USA Today để thử hỏi xem giá một diện tích quảng cáo 4x5cm là bao nhiêu tiền.

Khi quay về, Luke chống hai tay trên hông và long trọng tuyên bố với tôi bằng cái giọng miền Nam của bạn ấy: “Tốt nhất là ngồi xuống, thầy ạ”. Bạn ấy nói với tôi giá quảng cáo là 12.000 USD. Thoạt đầu tôi không tin và sau khi tan lớp tôi đã tự liên hệ với tòa báo để khẳng định lại. Tôi nhận ra là Luke nói đúng và tôi sửng sốt sao một mẩu quảng cáo bé xíu chỉ đăng có một lần mà lại đắt khủng khiếp đến thế!

Sau khi thảo luận với học sinh, tôi giải thích với các em là chúng ta không thể đào đâu ra một món tiền khổng lồ như vậy. Thế nhưng, các em học sinh lại không muốn bỏ cuộc một cách dễ dàng như thê. Các em nài nỉ tôi cho các em ấy thử làm và rồi thầy trò bắt tay vào thực hiện một chiến dịch gây quĩ. Tôi nói với các em là tôi có thể làm bất cứ việc gì để cùng các em kiếm tiền như bán bánh, bán kẹo, bất cứ việc gì trừ rửa xe bởi tôi chúa ghét việc rửa xe. Thế nhưng thứ bảy ấy, thầy trò đã đi rửa xe.

Vài tuần sau, đang khi những việc làm gây quĩ đầy “sáng tạo” của chúng tôi còn giậm chân tại chỗ thì tôi nhận được một cú điện thoại từ báo USA Today. Một biên tập viên của báo là Joan Baraloto nói với tôi là có người đã nhìn thấy lớp học của tôi trên TV đang đi gây quĩ, và rằng người ấy muốn tặng lớp số tiền cần thiết này để đăng quảng cáo. Tôi lập tức hỏi bà tên người tặng, và bà nói rằng người ấy chỉ muốn được gọi là “ông già Noel” mà thôi.

Chỉ còn ba tuần nữa là đến lễ Giáng sinh, và tên gọi này xem ra rất hợp với một sự đóng góp đầy lòng quảng đại như thế. Tôi vội vã đến lớp và thông báo cho bọn trẻ. Nghe xong, chúng reo hò như điên dại, và hỏi “Ai cho chúng ta tiền vậy?”. Tôi mỉm cười đáp: “Ông già Noel đấy”. Luke nhìn tôi vẻ ngờ vực và nói: “Thầy ơi, bố mẹ em không kiếm nổi số tiền này đâu”.

Thầy trò quyết định đăng một mẩu quảng cáo như sau:

Gửi Tổng thống Clinton và mọi người khắp thế giới

     Cái gì cướp mất nhiều sinh mạng nhất mỗi năm hơn cả AIDS, rượu, tai nạn xe cộ, giết người, tự tử, ma túy và hỏa hoạn cộng lại?

Chính bọn trẻ đã tạo nên mẩu quảng cáo này, còn tôi thì còn lợn cợn một chút bởi vì xuất thân từ một tiểu bang sản xuất nhiều thuốc lá, tôi không muốn chọc giận bất cứ ai. Tôi bày tỏ sự băn khoăn này với các em và rồi một bạn nữ tên là Carmela đã nói với tôi: “Không sao, thầy ạ. Không phải vì chúng ta xuất thân từ tiểu bang này mà chúng ta lại không dám có ý kiến, quan điểm riêng sao?”.

Thầy trò ghi địa chỉ cùng số fax trên mẩu quảng cáo và hồi hộp đợi chờ hồi âm. Tiếc là ngôi trường của chúng tôi nằm ở một vùng quê nên vào lúc ấy không thể có email và không thể ghi địa chỉ Internet của chúng tôi vào được.

———————————————————————–

     Ngày mẩu quảng cáo này được đăng, tôi cũng không thể có nổi một tờ báo, bởi báo USA Today không phát hành tại vùng quê của chúng tôi. Thế nhưng, tác động của mẩu quảng cáo ấy thì ai cũng cảm thấy được bởi trước khi tôi đến được lớp thì chúng tôi đã nhận được hơn trăm bức fax.

Ngay khi tôi rẽ vào bãi đậu xe của trường thì cô giáo Barbara Johns, lúc ấy đang ở trong bãi đậu xe, vội reo lên mừng rỡ: “Thầy phải đến văn phòng ngay! Tắt máy xe đi! Tôi sẽ đưa xe vào bãi đậu cho”. Chạy vào đến văn phòng, bức fax đầu tiên tôi cầm lên đọc được gửi từ thủ tướng Canada. Cũng có những bức fax đến từ khắp nơi, của bạn bè thân hữu, đội bóng, bác sĩ ở Mumbai, Ấn Độ… và bao người khác từ bất cứ nơi nào mà ta có thể nghĩ ra.

Khi bọn trẻ đến trường, thầy trò cùng kéo lên văn phòng. Các đài phát thanh khắp nước cũng đã cho phát mẩu quảng cáo của chúng tôi và kêu gọi các độc giả của mình gọi điện hồi âm kèm câu trả lời của họ. Các đài truyền thanh dồn dập gọi cho trường chúng tôi để hỏi câu trả lời đúng là gì, cũng hệt như bọn trẻ đang rộn ràng túc trực trên máy điện thoại để trò chuyện với hàng ngàn độc giả.

Có những đứa còn phải trả lời phỏng vấn của các nhà báo truyền hình. Các bức fax từ khắp nơi trên thế giới đổ về rào rào, còn bọn trẻ cứ như nhảy vọt khỏi mái nhà vì kích động! Thầy trò còn chia nhau ở lại đêm trong trường để trực máy fax. Các bức fax chuyển đến suốt đêm. Khoảng 3g sáng, tôi nhận được một bức fax trên đó viết “Xin thầy gọi điện cho chúng tôi” cùng với số điện thoại được ghi bên dưới.

Tôi đã gọi lại và đó là một sòng bài, ở đó người ta đã đưa câu hỏi này ra làm đề tài cá cược cho ai có câu trả lời đúng. Người ở casino này đã gọi cho tôi để biết chính xác lời giải đúng để có thể trao giải thưởng cho những ai thắng cược. Thật là vui!

Còn gì vui thích bằng khi biết có nhiều người thuộc các tầng lớp khác nhau cùng tham gia giải đáp và được nghe những câu trả lời của họ. Một số câu trả lời ngộ nghĩnh và thú vị thường gặp nhất là: thiếu ăn, súng, rơi vào trong thùng nước, James Bond, tình yêu, nhồi máu cơ tim, phá thai, tuổi già, sự hồi hộp, sự ngu dốt, thời gian, sự tham lam, cái lưỡi…

Đến lúc này thầy trò đã nhận được 7.000 thư và quà tặng từ khắp nơi trên thế giới gửi đên. Trong mẩu quảng cáo, thầy trò đã hứa là sẽ viết thư hồi âm cho mỗi người, thế là bọn trẻ phải gặp nhau vào những ngày thứ bảy, cả những ngày nghỉ cũng như sau giờ học để viết lời đáp cho mỗi người để báo cho họ biết câu trả lời đúng là hút thuốc lá.

Các em học sinh trở nên nổi tiếng, được xuất hiện trong những chương trình tin tức quốc gia và trên trang nhất các tờ nhật báo khắp tiểu bang. Một sự phấn khích bao trùm lên đề án, và bọn trẻ bắt đầu ngâng cao đầu mỗi ngày khi đến trường với vẻ đầy tự hào.

Sau một tuần lễ ròng rã viết thư trả lời, biến văn phòng nhà trường thành sở chỉ huy tạm thời riêng của thầy trò và biến thành tâm điểm của các phương tiện truyền thống, cuối cùng chúng tôi đã nhận được câu trả lời mà chúng tôi chờ đợi từ lâu.

Nhà Trắng gọi và báo cho biết đệ nhất phu nhân Hillary Clinton sẽ gọi cho chúng tôi lúc 11g45 vào ngày thứ sáu để đưa ra câu trả lời của bà và của tổng thống, cũng như sẽ tranh luận về những nguy cơ của việc hút thuốc lá với các bạn học sinh. Tất cả thầy trò đều vui mừng và tự hào. Chúng tôi bủa đi chuẩn bị một cuộc họp báo vào cuối tuần để cho cả cộng đồng đều có thể có mặt vào ngày hôm ấy.

Khi mọi người – các nhà lãnh đạo địa phương, các nhà doanh nghiệp, các chủ trang trại, gia đình và bạn bè – đang ngồi cả trong thư viện, ta có thể cảm nhận rõ một không khí phấn khích và một ý thức cộng đồng. Thầy trò đã mặc quần áo mới sao cho ai cũng trông đẹp nhất như trong ngày lễ hội.

Cả lớp và tôi ngồi ở những cái bàn ở đầu thư viện, kế bên là hàng chục máy quay và các nhà báo. Tôi chăm chú nhìn theo kim đồng hồ… 11g43… 11g44… Rồi tôi nghĩ “Chuyện gì xảy ra đây nếu như bà ấy không gọi điện nhỉ?”. Nhưng rồi chuông điện thoại vang lên.

Thư viện vốn đã lặng im lúc này im phăng phắc. Mọi người nín thở như dõi theo từng lời tưởng chừng như thời gian ngắn lại. Bà Hillary Clinton dành thời gian nói chuyện với từng em học sinh và tranh luận về những vấn đề sức khỏe mà câu hỏi của chúng tôi gợi lên. Cuối cuộc gọi, bà Clinton nói: “Các bạn biết đấy, tôi đang giữ bức thư mà tổng thống và tôi đã viết cho lớp các bạn, trong đó có câu trả lời của chúng tôi. Chúng tôi có thể mail cho các bạn, nhưng chúng tôi nghĩ rằng hay nhất là chúng tôi sẽ trao tận tay các bạn”.

Sau đó, tôi thông báo một tin khiến mọi người sửng sốt. Tôi đã chuyện trò với Nhà Trắng suốt tuần qua, và hai phía đã sắp xếp cho các học sinh đến Nhà Trắng vào tuần sau để gặp gia đình tổng thống. Đây sẽ là một sự kiện đổi đời đối với các học sinh, bởi đa số các em chưa bao giờ bước ra khỏi tiểu bang của mình.
Lần đầu tiên khi chúng tôi được thông báo về lời mời đến Nhà Trắng, vị hiệu trưởng đã yêu cầu tôi đừng công bố điều này cho mọi người biết cho đến khi tôi vận động đủ số tiền cần thiết để đưa tất cả các em học sinh đi. Ngay sau đó, bà Austin, một trong số những thư ký của trường, bắt đầu gọi điện cho các doanh nghiệp mà chúng tôi có thể nghĩ đến để xin tài trợ. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng bất cứ người nào tôi gọi đến thì ai ai cũng sẵn sàng giúp đỡ bọn trẻ và mong muốn đóng góp bằng bất cứ cách nào mà họ có thể.

Bất cứ nơi nào tôi gọi tới, tình hình cũng tương tự. Các cộng đồng cũng sẵn lòng giúp đỡ các thầy cô giáo chừng nào ta còn chứng tỏ cho thấy ta làm việc nghiêm túc, và đưa ra được những lý do chính đáng cho thấy sự đóng góp của họ đang góp phần tạo nên một sự chuyển biến nào đó.

Chỉ trong vài ngày chi phí cho toàn bộ chuyến đi đã được các nhà doanh nghiệp địa phương tài trợ, tất cả họ đều đồng ý là cần giữ bí mật cho đến khi tin này được loan báo trong cuộc họp báo.

Kết thúc cuộc gọi, để trả lời yêu cầu của phu nhân Clinton mời chúng tôi đến Nhà Trắng, tôi đã nói trong nước mắt đầm đìa rằng tôi không thể từ chối bất kể là tôi sẽ phải khó khăn như thế nào. “Nào các chú nhóc, các chú hãy nhìn cộng đồng các nhà doanh nghiệp quanh các chú… Vâng, họ đủ tốt để tài trợ cho lớp chúng ta, và cuối tuần tới, tất cả chúng ta sẽ đến Washington, DC!”.

Cả thư viện òa lên tiếng reo hò tán thưởng. Nhà báo Sandra Harris của Đài truyền hình kênh 9 cũng reo lên. Đem đến sự ngạc nhiên này cho các em học sinh và cho cộng đồng là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong đời tôi. Niềm vui, niềm phấn khích và sự cảm kích thể hiện trên gương mặt các em học sinh là một trong những lý do chính khiến tôi quyết định tiếp tục dạy học. Làm sao tôi có thể quay lưng lại với cơ hội có thể có một sức tác động như vậy đến cuộc đời của bọn trẻ chứ?

Sau khi sự kích động đã lắng xuống, tôi bắt tay tổ chức chuyến đi. Tôi nghĩ mọi việc sẽ bù đầu rối tai, nhưng khi bắt đầu gọi điện đi khắp nơi đặt khách sạn, vạch ra một lộ trình thì mọi việc lại cứ êm xuôi đâu vào đấy.

Tuần sau thầy trò lên đường đến Washington DC cùng với nhiều nhà báo thuộc các tờ báo địa phương. Đoàn đã đi thăm Nhạc viện quốc gia, điện Capitol và tất cả bảo tàng lớn. Ngày cuối cùng ở DC, đoàn đến thăm Nhà Trắng. Một nhân viên hướng dẫn tour riêng cho đoàn, và thầy trò là đoàn duy nhất vào lúc ấy. Chúng tôi được phép đi lang thang, chụp ảnh tự nhiên như ở nhà.

Sau chuyến tham quan, thầy trò được đưa đến phòng Đông. Căn phòng được trang trí một cây giáng sinh khổng lồ trên treo đầy bóng đèn. Cuối cùng, tổng thống và phu nhân bước vào phòng và chuyện trò với bọn trẻ. Tổng thống quì trên sàn nhà nói chuyện với từng đứa trẻ, còn phu nhân Clinton đi quanh chuyện vãn với những người lớn. Khi đến gặp tôi, bà nói: “Ồ thưa thầy, tôi nhận ra thầy nhờ đọc trên báo đấy” và tôi cũng đáp lại: “Ồ, thưa bà, còn tôi lại nhận ra bà nhờ xem truyền hình đấy”.

Khi thầy trò quay trở về lại Bắc Carolina, bọn trẻ vẫn chưa muốn kết thúc dự án này. Để giữ cho dự án này sống lâu hơn một thời gian ngắn nữa, thầy trò lại bắt tay viết một cuốn sách mang tên Cuộc phiêu lưu vòng quanh thế giới qua những từ ngữ của người khác để kể lại toàn bộ dự án này.

Bọn trẻ có biết bao cảm xúc và ký ức gắn với dự án và tôi cảm thấy thật may mắn là thầy trò đã có thể tập hợp và viết lại những cảm xúc lúc ấy. Tôi biết 20 năm sau một số các em sẽ đọc lại cuốn sách này cho con cái mình nghe và hi vọng là lúc ấy các em sẽ sống lại những cảm xúc tuyệt vời ngày ấy.

Đây là một kinh nghiệm chắc chỉ có một lần trong đời, nhưng tôi lại có diễm phúc là đã trải qua nhiều sự kiện tương tự cùng với các học sinh của mình ở ngôi trường vùng quê ấy.

oOo

     Kể lại một câu chuyện của một đồng nghiệp, thầy biết là không thể tạo được mỗi tháng những bất ngờ tương tự cho người khác, nhưng thầy nghĩ chúng ta cần nắm bắt được thứ cảm xúc phấn khích như thế để tạo ra thứ ngạc nhiên như vậy, dù là lớn hay nhỏ và càng nhiều càng tốt.

Thầy biết, đối với thầy, dạy học là tạo nên những bất ngờ và những khoảnh khắc tương tự cho trẻ để chúng không bao giờ quên. Thầy nghĩ sẽ vui thích biết bao khi được sống trong một thế giới mà ở đó mọi người đều suy nghĩ như thế.

Câu chuyện thứ chín: Học thật tốt cách ứng xử

Khi ai đó tặng em món quà gì thì chớ bao giờ trách móc người ấy bằng cách chê bai hay tỏ thái độ chẳng thèm ngó ngàng gì đến món quà ấy.

 Cứ mỗi tháng thầy lại dẫn một nhóm học sinh xuất sắc trong lớp đi chơi cuối tuần để khen thưởng. Tháng trước, thầy dẫn các bạn đi xem trận bóng đá tại một tỉnh ở đồng bằng, trận đấu chia tay khán giả nhà của một tuyển thủ quốc gia. Các em nghỉ đêm tại khách sạn để gặp gỡ cầu thủ này. Tháng này, một nhóm học sinh xuất sắc khác trong lớp lại sắp được thưởng một chuyến tham quan câu lạc bộ bóng đá của thành phố mình.

Sự chênh lệch của hai chuyến đi là khó tránh khỏi và điều này không thể không đập vào mắt học sinh. Trong các em đã có những lời xì xầm, so đo, phân bì và chuyện này khiến thầy đau lòng. Đa số các thầy cô giáo khác chẳng bao giờ dẫn học sinh trong lớp đi chơi cả, còn thầy đã mất công mất sức dẫn học sinh của mình đi lại còn bị các em trách móc là đi thăm câu lạc bộ sao vui bằng đi về đồng bằng.

Để dạy các em một bài học, thầy tuyên bố hủy bỏ chuyến đi thăm câu lạc bộ và chẳng có thưởng gì khác nữa. Quyết định này đúng là có phần nghiêm khắc, nhưng đó lại là cách hiệu quả để tỏ rõ suy nghĩ của thầy đối với các học trò vô ơn bội nghĩa và hi vọng ký ức về lý do bị trừng phạt sẽ còn lưu giữ dài lâu trong tâm trí các em.

Tặng quà cho ai mà người ấy lại chẳng biết thừa nhận món quà ấy thì quả là khó chịu thật. Chuyện đứa cháu của thầy gặp rắc rối do thái độ vô ơn của nó chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Vợ chồng người chị của thầy có nhận một người con nuôi lúc em ấy được bốn tuổi. Lúc mới đến trong gia đình, em tỏ ra biết ơn về tất cả những gì em nhận được.

Khi ai cho em món quà gì, em cẩn thận mở giấy gói và cũng với sự cẩn thận tương tự, gấp giấy gói lại để sang một bên, sau đó từ tốn mở hộp xem có gì bên trong. Khuôn mặt em luôn sáng rỡ và ôm ghì lấy bất cứ thứ gì bên trong hộp như là sách, vớ, quần áo… Giờ thì em ấy đã ở với gia đình chị thầy được hơn một năm và mọi chuyện đã đổi thay nhiều. Thầy cũng thường cho quà em ấy, nhưng về sau thầy cho quần áo hơn là những thứ khác.

Giờ đây, mỗi khi mở quà, em cứ vội vã xé toạc giấy gói ra để xem bên trong có gì, và khi nhìn thấy quà bên trong là quần áo thì em lại cau mày và dài giọng “Chú úúúúúúúúúú… này” như muốn trách cứ thầy sao chẳng biết làm gì hay ho hơn là chỉ biết mua những thứ đồ chán chết như thế này!

Thầy nghĩ bên cạnh việc dạy cho trẻ biết kính trọng đối với người đã tặng chúng quà hay phần thưởng nào đó, thì quan trọng còn là dạy cho trẻ biết không nên ứng xử theo cách như thế. Mới đây, khi được thầy tặng quà, cô cháu gái của thầy đã biết nói: “Thưa chú, con rất thích món quà chú tặng con”.

Câu chuyện thứ mười: Học cách đánh giá người khác

Thỉnh thoảng ta có thể cho học sinh chấm bài của nhau một cách tập thể. Khi chấm bài của những học sinh khác, nếu em cho ai đó một điểm số không chính xác, có khi là cao hơn hoặc thấp hơn mức mà bạn đó xứng đáng được hưởng, thì phần điểm do chênh lệch ấy sẽ bị khấu trừ vào số điểm trong bài của em.

      Ký hiệu duy nhất em được phép ghi trên bài của các bạn khác là dấu X và tổng số những dấu X ấy là số câu trả lời sai.

Là người lớn, chúng ta luôn ở vào tình huống phải xem xét những thành quả của người khác và đưa ra những nhận xét đánh giá. Chúng ta thường xuyên phải làm việc này trong công việc của mình như khi phỏng vấn các ứng viên, đánh giá các đồng nghiệp hay chọn những đối tác thương mại… Chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều điều từ chính bản thân mình và từ trình độ tiếp thu và vận dụng mà chúng ta có thể mong đợi khi quan sát cách làm của những đồng sự.

Thế nhưng, đánh giá người khác và để cho họ biết nhận định của ta về những khả năng của họ có thể là một việc rất… thách thức, bởi vì ta phải rất tự tin khi làm điều ấy. Ta phải cảm thấy rất vững vàng về cái mà ta đã làm trước khi có thể nói với những người khác thế nào là đúng, là sai trong những điều họ làm.

Dạy cho học sinh đánh giá công việc của các bạn đồng trang lứa với mình trong lớp học, và giúp các em thực hành những kỹ thuật đưa ra phản hồi chính là chuẩn bị cho các em làm những việc mà chúng sẽ phải đương đầu sau này trong cuộc sống.

Đáng tiếc là hệ thống giáo dục trong nhà trường lại không cho phép học sinh chấm bài của nhau bởi vì đó có thể là một sự khó xử về mặt xã hội đối với những học sinh làm tốt việc này. Thầy đồng ý với sự khó xử ấy nếu như việc làm này không được thực hiện dưới một sự giám sát đúng đắn và trong một không khí thân tình của lớp.

Tuy nhiên, như thầy đã từng nói, nếu chúng ta biết tạo nên một không khí hỗ trợ trong đó mỗi học sinh đều cảm thấy thoải mái với việc biết rõ điểm số của nhau, hơn nữa việc chia sẻ điểm số này có thể có ích theo hướng là một động lực thúc đẩy nhau cùng tiến bộ.

Trước tiên, việc để cho học sinh chấm bài của nhau có thể cung cấp một sự phản hồi nhanh chóng cho người thầy. Vấn đề chính ở đây là tình cảm của học sinh có thể bị tổn thương. Bởi vậy, thầy thường yêu cầu học sinh không ghi tên mình trên bài làm. Sau khi dạy xong một bài, thầy yêu cầu mỗi học sinh lấy một mảnh giấy trắng để trả lời 5-10 câu hỏi xung quanh nội dung bài vừa học, rồi nộp cho thầy.

Thầy đảo các bài và phát lại cho học sinh. Làm cách này không em nào biết bài mình nhận được là của ai. Thầy đọc câu trả lời rồi yêu cầu học sinh giơ tay cho biết những bài trả lời đúng hết các câu hỏi của thầy. Lần lượt các em học sinh lại giơ tay đối với những bài trả lời sai một câu, rồi hai câu và cứ thế cho đến hết.

Kết quả này giúp thầy biết ngay và chính xác mức độ học sinh tiếp thu bài học mà thầy vừa dạy. Làm cách này vừa đạt được mục tiêu lại vừa không gây khó xử cho học sinh nào. Nhiều lần, khi không có học sinh nào ghi tên mình trên bài làm, thầy chỉ cần thu các bài lại và bỏ đi. Chẳng cần phải lưu giữ những bài làm này vì thầy đã có được sự phản hồi mà thầy cần có.

Tuy nhiên, nhiều khi thầy muốn có một ý niệm rõ hơn xem mỗi học sinh đã làm như thế nào thì thầy yêu cầu học sinh ghi tên mình trên bài làm. Sau khi chấm bài xong, thầy yêu cầu học sinh kiểm soát lại bài mà mình đã chấm bằng cách giơ tay cho biết số câu hỏi bỏ trống không làm được trước khi nộp lại bài cho thầy. Điều này tránh cho học sinh khỏi phải xấu hổ khi phải giơ tay cho biết em đang giữ một bài có điểm số thấp.

Đôi khi thầy lại cho các học sinh đang giữ những bài có điểm số cao đọc tên những học sinh đã làm bài tốt.

Trước khi cho cả lớp chấm điểm trên những bài làm có ghi tên cụ thể, có hai việc cần được thảo luận kỹ:

1. Nói cho học sinh biết lúc nào cũng cần phải tôn trọng sự riêng tư khi chấm bài của người khác. Nói cho học sinh biết các em không được bình luận về điểm số của học sinh khác với chính học sinh ấy hay với bất cứ học sinh nào trong lớp.

2. Khi chấm điểm, học sinh chỉ có việc đánh dấu X đối với những câu trả lời sai và ghi tổng số những câu trả lời sai trên đầu giấy làm bài. Điều này rất quan trọng bởi nếu không sẽ có một số học sinh tùy tiện ghi trên tờ giấy những câu “tùy bút” linh tinh. Chuyện này đã xảy ra trên nhiều bài làm của học sinh trong thời gian qua mà thầy ghi nhận thấy.

Việc hạn chế học sinh có thể ghi “cảm tưởng”, “cảm nghĩ” của mình trên bài làm của học sinh khác sẽ còn là cách không cho học sinh thay câu trả lời khác để giúp bạn mình. Nếu thấy học sinh sửa câu trả lời và viết gì trên đó thì ta biết ngay rằng đã có một điều gì đó xảy ra, bởi không có lý do gì để học sinh viết trên đó ngoại trừ là đánh các dấu X.

ST