Kinh nghiệm chích ngừa cho bé sao cho đúng và đủ

0
3411

Kinh nghiệm chích ngừa cho bé sao cho đúng và đủ

Chích ngừa cho bé tăng khả năng phòng chống với bệnh tật là ưu tiên hàng đầu của các ông bố, bà mẹ mới sinh con. Tuy nhiên không phải ai cũng biết chích ngừa cho bé như thế nào cho đúng và đủ, một vài kinh nghiệm sau đây mà Chia Sẻ Mẹo Hay hướng dẫn bạn, hy vọng giúp bạn hiểu hơn về chích ngừa cho bé như thế nào cho đúng và đủ nhé?

Thời gian gần đây, dịch thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ hay phỏng rạ) lan ra rất nhanh và gây nhiễm nhiều người, cả người lớn lẫn trẻ em. Do vậy, nhiều người lại đổ xô đi chích ngừa thủy đậu, con số chích ngừa thủy đậu mỗi ngày tăng gấp hàng chục lần so với trước khi có dịch và vượt quá khả năng cung ứng vaccine của nhà phân phối.

Hậu quả là vaccine thủy đậu đã hết sạch từ 2 tuần nay, và các nhà phân phối vaccine phải gấp rút nhập vaccine về. Vấn đề đáng nói là bất cứ khi nào người dân được báo chí thông tin là có dịch gì đó thì họ lại đổ xô đi chích ngừa vaccine đó (cho họ và các con cháu họ), điển hình là những đợt dịch Rubella ở nhiều nữ công nhân cách nay vài năm và đợt bùng phát nhiều ca nhiễm não mô cầu năm ngoái, làm các vaccine này hết nhanh chóng chỉ trong vòng 1 tuần.

Thực ra, nếu chích ngừa gấp gáp như vậy thì hiệu quả bảo vệ của vaccine đối với một bệnh nào đó sẽ không hoàn toàn. Nói cách khác, tốt nhất là chích ngừa trước khi bệnh có khả năng xảy ra ít nhất 1 tháng, hay là chích theo lịch yêu cầu.

 Vậy vấn đề là làm thế nào để vaccine có thể chích đúng lịch và các em bé không bị lỡ mũi vaccine hơn là phải đổ xô đi chích ngừa một loại vaccine nào đó khi có dịch xảy ra?

 Trong quá trình tư vấn chủng ngừa cho trẻ em, tôi nhận thấy có nhiều trường hợp chúng ta chích ngừa cho trẻ không theo hướng dẫn và khuyến cáo của thế giới. Nhiều khi chúng ta có những chống chỉ định hay hoãn chích ngừa không phù hợp, làm cho mũi chích bị lỡ, ví dụ như khi trẻ bị ho, sổ mũi hoặc tiêu chảy nhẹ nhưng nhân viên y tế lại hoãn không chích ngừa cho trẻ, trong khi đúng ra nên nhân cơ hội bé đi khám vì một bệnh nhẹ như ho hay sổ mũi mà chích ngừa cho đủ theo lịch.

Có trường hợp nhân viên y tế hoãn mũi chích ngừa chỉ vì bé được kê toa kháng sinh, với lý do là kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine, nhưng thực tế thì kháng sinh không ảnh hưởng gì đến vaccine, ngoại trừ vaccine thương hàn sống loại uống. Hoặc có trường hợp bé sanh non và không được chủng ngừa vaccine viêm gan B lúc sanh.

Thật ra vaccine viêm gan B có thể hoãn ở trẻ sơ sinh dưới 2000g, nhưng nếu mẹ bị viêm gan B (có HBsAg dương tính) thì có thể vẫn chích. Hoặc có trường hợp bé bị suy dinh dưỡng, thiếu cân, và nhân viên y tế lại nói là chích ngừa không tạo miễn dịch đủ, thật ra lý do này cũng không chính xác.

Thậm chí nhân viên y tế còn có những lời khuyên về chống chỉ định hoàn toàn ngược với khuyến cáo của thế giới, ví dụ bà mẹ sắp mang thai được khuyên là không được chích ngừa cúm; đây là 1 lời khuyên hoàn toàn ngược với khuyến cáo của CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Mỹ).

CDC khuyến cáo rằng nên chích ngừa cúm cho tất cả các bà mẹ sẽ mang thai trong mùa dễ bị cúm, bởi vì các bà mẹ này sẽ bị cúm rất nặng nếu không được chích ngừa bảo vệ. Có người lo lắng rằng chích ngừa cúm có an toàn trong khi đang mang thai không. Các nghiên cứu cho thấy nó vẫn an toàn trong thời gian mang thai.

Ngoài những chống chỉ định không xác đáng như trên, có một số nơi nhân viên y tế chỉ chích ngừa có 1 mũi trong 1 lần đi chích. Điều này không sai, nhưng nó lại làm tăng khả năng bị lỡ mũi chích ngừa cho các bé, nhất là ở giai đoạn sau 1 tuổi.
Thực ra, tất cả các mũi thuốc chích ngừa đều có thể chích chung 1 lần được, ngoại trừ vaccine thủy đậu và đậu mùa không chích chung 1 lần. Khi tiêm nhiều mũi 1 lần, chúng ta sẽ giảm bớt khả năng bé bị lỡ mũi vaccine nào đó, bé sẽ chỉ bị đau có 1 lần thôi (thay vì đau nhiều lần khác nhau), và ba mẹ của các bé đỡ phải đưa bé đi chích ngừa nhiều lần.
Nhiều phụ huynh lo lắng rằng chích nhiều mũi 1 lần như vậy không biết bé có chịu nổi không. Trên thực tế, tôi đã chích ngừa cho nhiều bé như vậy mà chưa thấy bé nào không chịu nổi (ngay cả con tôi!).

 Do đó, tôi thiết nghĩ để việc chích ngừa được đúng và đủ và để tránh tình trạng thiếu hụt vaccine một cách không đáng như vừa qua, chúng ta nên áp dụng đúng những khuyến cáo của thế giới về chích ngừa theo lịch, chích nhiều mũi vaccine trong 1 lần chích ngừa và không viện những lý do hay chống chỉ định không xác đáng để hoãn việc chích ngừa.

 Những lý do không xác đáng để không chủng ngừa

 Một số trẻ không được chủng ngừa theo khuyến cáo. Những cẩn trọng không cần thiết làm cho cha mẹ hoãn lại hoặc hủy luôn việc chủng ngừa theo lịch. Những tình trạng sau đây KHÔNG PHẢI là lý do thường qui để hoãn hay hủy việc chủng ngừa.

 Con bạn vẫn CÓ THỂ  tiêm chủng ngừa nếu:

  • Con bạn bị đau, đỏ hay sưng ở vị trí chủng ngừa sau lần chủng ngừa DTaP trước.
  • Con bạn bị sốt dưới 40o5 sau lần chủng ngừa DTaP trước.
  • Con bạn đang mắc bệnh nhẹ như cảm lạnh, ho, hay tiêu chảy mà không sốt.
  • Con bạn đang hồi phục từ một bệnh nhẹ như cảm lạnh, ho, hay tiêu chảy.
  • Con bạn vừa mới tiếp xúc với một bệnh nhiễm trùng gần đây.
  • Con bạn đang dùng kháng sinh.
  • Con bạn sanh non.
  • Con bạn đang bú mẹ.
  • Con bạn bị dị ứng (trừ khi dị ứng với trứng).
  • Gia đình bạn có tiền sử co giật hay mắc Hội chứng đột tử nhũ nhi.
  • Những lý do tạm hoãn chích ngừa
  • Đang bị sốt vì bệnh nào đó. Có thể hoãn lại sau một tuần (tham vấn bác sĩ)
  • Đang tiêu chảy tại thời điểm uống vaccine bại liệt: vẫn uống vaccine bình thường, nhưng không tính là một lần chủng ngừa. Sau đó vẫn uống tiếp cho đủ lịch. Đối với thuốc chủng ngừa bại liệt dạng chích thì vẫn có tác dụng.

 Những lý do để không chủng ngừa
Nếu con bạn có bất cứ vấn đề nào sau đây, hãy bàn với bác sĩ trước khi cho con bạn chích ngừa.
  • Con bạn bị phản ứng với mũi vaccine trước.
  • Con bạn bị co giật hoặc có bệnh lý thần kinh nghiêm trọng: không được tiêm vaccine ho gà khi bé bị co giật hay có bệnh lý thần kinh nghiêm trọng. Tuy vậy, con bạn vẫn có thể được tiêm vaccine ngừa uốn ván và bạch hầu không kèm vaccine ho gà.
  • Con bạn có vấn đề về hệ thống miễn dịch: những trẻ có hệ thống miễn dịch suy yếu do bệnh lý hay do thuốc thì không nên chủng ngừa vaccine sống (ví dụ như thủy đậu hay MMR – sởi, quai bị, Rubella). Một vaccine sống có thể gây bệnh thật sự nếu như hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
  • Con bạn bị dị ứng với trứng: những trẻ bị dị ứng nặng với trứng gà thì không nên chủng ngừa cúm. Tuy nhiên, những trẻ bị dị ứng trứng có thể chủng ngừa các loại thường qui khác. Mặc dù vaccine sởi và quai bị được nuôi từ trong tế bào gà con, các protein trứng gà đã được tách ra khỏi các vaccine này và có thể tiêm các vaccine này nếu con bạn không có phản ứng dị ứng test da với trứng.

Trên đây là một số trường hợp bạn có thể vẫn tiếp tục hay dừng lại việc tiêm phòng cho bé cho đúng và đủ nhé….

(st)