Kinh nghiệm khởi nghiệp bằng thương mại điện tử với số vốn 10 triệu

0
2447

Kinh nghiệm khởi nghiệp bằng thương mại điện tử như thế nào với số vốn 10 triệu?

Trong hơn 90 triệu dân,Việt Nam hiện có 40 triệu người sử dụng Internet và gần 60% trong số đó từng mua sắm trực tuyến. Thực tế này đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức thông qua mạng xã hội hay các trang thương mại điện tử từ số vốn nhỏ. Dưới đây là một số kinh nghiệm khởi nghiệp mang tính nguyên tắc của chuyên gia E-marketing Phan Anh mà các cá nhân hay nhóm muốn khởi nghiệp bằng thương mại điện tử có thể tham khảo.

Thứ nhất: Vốn

Nếu khởi nghiệp bằng thương mại điện tử, tiền chưa bao giờ là quan trọng khi bạn theo đuổi mô hình kinh doanh đơn giản theo phương thức “lấy công làm lãi”, vốn khoảng 10 triệu đồng cũng đủ. Đừng quá băn khoăn về số vốn nhiều hay ít, làm việc vừa với sức mình là quan trọng nhất.

Với số vốn hạn chế, bạn hãy chọn những sản phẩm và dịch vụ kinh doanh sao cho xoay vòng vốn nhanh, lấy công làm lãi, năng nhặt chặt bị. Luôn luôn ghi nhớ nguyên lý kinh điển của dòng tiền là “lợi nhuận cao thì rủi ro cao, rủi ro cao thì lợi nhuận cao”, vì vậy hãy lựa chọn những sản phẩm và dịch vụ ít rủi ro, bởi bạn không có nhiều sự lựa chọn.

Thứ hai: Mô hình kinh doanh

Mô hình kinh doanh hàm ý là cách mà dòng tiền được tạo ra, hay bạn sẽ kiếm tiền và có lợi nhuận bằng cách nào. Trong thương mại điện tử hiện nay có rất nhiều mô hình, phương thức kiếm tiền và phát sinh dòng tiền khác nhau, mỗi mô hình này sẽ đòi hỏi số vốn đầu tư, trình độ hiểu biết công nghệ cũng như khả năng quản trị khác nhau. Hãy lựa chọn những mô hình phù hợp nhất với mình. Bán hàng trực tuyến, cung cấp dịch vụ hỗ trợ là một số mô hình phổ biến nhất.

Bạn có thể bắt đầu bán hàng trên facebook bằng cách hỏi lấy hàng của người bán và bán hàng cho một số bạn bè ở trên facebook, hoặc bạn nhập hàng và chạy quảng cáo bán sản phẩm đó cho những người khác, khi có nhiều điều kiện kinh doanh tốt hơn, bạn sẽ đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa công cụ tiếp thị và bán hàng như website, Google s.e.o, Google Adwords, email marketing, banner CPC/CPM hoặc các loại hình quảng cáo khác.

Nên lựa chọn những mô hình an toàn và rủi ro thấp để tránh bị mất tiền hoặc không thành công khi mà vốn liếng vẫn còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm quản lý và kinh doanh.

Thứ ba: Lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ để bán

Nguyên tắc lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ là nên chọn những sản phẩm có nhiều người mua nhất, dễ bán nhất, có thị trường ngách, khác biệt, được làm thủ công (ví dụ như đồ ăn, bánh trái, bếp núc), có tính chất tiêu dùng nhanh, độc đáo, lạ; hoặc cung cấp dịch vụ bằng công sức lao động và chất xám của mình thay vì phải bỏ vốn liếng (như dịch vụ thiết kế đồ họa, chụp ảnh sản phẩm, dịch vụ chạy quảng cáo thuê, làm sale, giao hàng…).

Nên lựa chọn những sản phẩm có giá trị nhỏ hoặc không lớn lắm, tầm một triệu đồng trở xuống để dễ dàng bán ở trên mạng, vì với các sản phẩm có giá trị lớn hơn, bạn vẫn bán được nhưng không bán được nhanh, nhiều và đòi hỏi số vốn lớn.

Bạn cũng nên lựa chọn các sản phẩm mà trên mỗi sản phẩm được bán ra, bạn có thể thu lợi nhuận gộp khoảng 100.000-150.000 đồng. Với mức lợi nhuận gộp này, bạn có khoản chi để chi trả cho các dịch vụ như giao hàng miễn phí, đổi trả hàng, chạy quảng cáo bán hàng, và các chi phí bán hàng khác mà vẫn còn một khoản lợi nhuận ròng trên mỗi sản phẩm được bán ra.

Bạn cũng cần nhạy bén với yếu tố mùa vụ. Hầu hết các sản phẩm đều có tính mùa vụ, như dịp Noel, Tết Nguyên đán sẽ là cơ hội bán hàng tốt và thu nhập không tồi. Nếu may mắn và thành công, bạn có thể kiếm được một khoản thu nhập khá lớn và chuẩn bị cho bước tiếp theo của quá trình khởi nghiệp.

Hãy cố gắng nhập được hàng hóa với giá gốc, giá tốt, tìm kiếm các sản phẩm có tính khác biệt hóa… Đó là một lợi thế khi bán hàng.

Thứ tư: Lựa chọn công cụ để bán hàng và marketing.

Bạn có thể bắt đầu với facebook và quảng cáo trên facebook, thiết lập một website miễn phí hoặc trả phí giá rẻ, tạo các bài viết trên diễn dàn, trang rao vặt, tin tức, mua quảng cáo của google hoặc tăng thứ hạng tìm kiếm, email marketing, mobile marketing và các dịch vụ khác trong khả năng của mình và mô hình kinh doanh.

Bạn có thể sẽ cần đến các phần mềm quản lý bán hàng, quản lý dữ liệu và mối quan hệ khách hàng để hỗ trợ công việc kinh doanh tốt hơn. Bạn cũng có thể sử dụng duy nhất một công cụ là facebook hoặc kết hợp nhiều công cụ trực tuyến trong bán hàng.

Tất nhiên, khi quy mô kinh doanh của bạn càng lớn thì đòi hỏi chi phí nhiều và quy trình phức tạp hơn, còn với khởi nghiệp tự thân hoặc tự doanh với quy mô nhỏ hoặc vừa phải thì một mình hoặc một nhóm có thể xoay sở. Tham khảo sách Bán hàng trên facebook cũng là một lựa chọn cho người mới bắt đầu. Công cụ luôn sẵn có, việc duy nhất bạn cần là học để sử dụng tốt, áp dụng vào việc khởi nghiệp.

Thứ năm: Chiến lược bán hàng và chăm sóc khách hàng

Dù là kinh doanh nhỏ lẻ vài triệu đồng hay khởi nghiệp với số vốn hàng tỷ đồng thì bạn cũng cần đến chiến lược bán hàng và chăm sóc khách hàng trước – trong và sau tốt.

Các chiến lược bán hàng khi khởi nghiệp là bán nhanh, sản lượng lớn, thu lợi nhuận nhỏ, cam kết tốt và mạnh mẽ, có chương trình khuyến mại shock – độc – lạ, tìm ra sự khác biệt trong dịch vụ hoặc sản phẩm của mình để cung cấp cho khách hàng.

Sau khi khách hàng mua sản phẩm, bạn cần thăm hỏi và cảm ơn khách hàng, mong khách hàng tiếp tục ủng hộ bạn trong lần tới. Bạn cũng lưu trữ thông tin khách hàng để chăm sóc sau bán và tiếp tục bán chéo, bán thêm các sản phẩm khác (nếu có) hoặc làm cho khách hàng cảm thấy được hài lòng và tiếp tục ủng hộ bạn hoặc không phàn nàn về bạn.

Thứ sáu: Tập trung vào quản trị nội bộ và quản trị rủi ro

Những người mới khởi nghiệp thường ít quan tâm đến “quản trị nội bộ” và “quản trị rủi ro” và cho rằng đó là hoạt động của những công ty lớn và chuyên nghiệp. Nhưng thực tế, khởi nghiệp là hoạt động chứa đựng nhiều rủi ro vì dễ thất bại nên cần quản trị rủi ro, tăng hiệu quả kinh doanh. Bạn hãy nhận diện những rủi ro khi kinh doanh và ước tính khả năng thất bại, khả năng thành công.

Quản trị nội bộ tốt sẽ giúp cắt giảm chi phí, thúc đẩy quá trình kinh doanh và mở rộng quy mô, ví dụ như quy trình hóa và thời gian biểu hóa các hoạt động bán hàng, phục vụ, giao hàng, cam kết chất lượng và thời gian phục vụ, giảm các thao tác thừa không cần thiết, phục vụ khách hàng chu đáo hơn, đem lại cho khách hàng nhiều giá trị gia tăng hơn trong khả năng cho phép.

Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh này cho bạn bè cùng biết nhé!

Huyền Thư