Phương pháp dạy trẻ học lớp 1 hiệu quả và giúp trẻ hứng thú nhất
Thời điểm sắp bước vào năm học lớp 1 là khoảng thời gian quan trọng của trẻ. Trẻ bắt đầu làm quen với chữ viết và những con số. Tuy nhiên, để trẻ hứng thú với việc học là một điều không phải cha mẹ nào cũng làm được. Vậy làm thế nào để trẻ luôn hứng thú trong việc học? Và làm thế nào để có phương pháp học tốt nhất cho trẻ? Hãy cùng theo dõi bài viết sau nhé:
Học kiến thức trong sách giáo khoa là một việc quan trọng. Tuy nhiên, việc rèn tính tập trung, tự giác và tư thế ngồi học đúng là việc cha mẹ nên làm đầu tiên. Việc này không hề dễ dàng với trẻ. Vì trẻ 5 tuổi vẫn còn mải chơi và khó tập trung. Do đó, cha mẹ cần kiên trì dạy trẻ trong giai đoạn trẻ học lớp 1 này. Cha mẹ không nên nổi nóng khi trẻ không hiểu hoặc không nghe lời.
Phương pháp dạy trẻ học lớp 1
1. Quan tâm đến tâm lý của trẻ
- Tôn trọng con
Phần lớn cha mẹ, ông bà đều nghĩ trẻ cần nghe theo lời người lớn. Vì thế khi gặp bất cứ chuyện gì người lớn cũng tự quyết định thay trẻ. Điều này không hề sai khi trẻ chưa tự quyết định được. Tuy nhiên, khi trẻ được tiếp xúc với môi trường bên ngoài thì trẻ cũng có suy nghĩ cũng như quan điểm riêng của mình. Không phải quyết định nào của cha mẹ cũng luôn luôn đúng. Việc của cha mẹ là hãy luôn tôn trọng ý kiến và sở thích riêng của con. Không nên cấm đoán và bắt con làm những việc mà con không thích. Hãy khuyến khích con làm những điều con muốn và khi con làm sai hãy lắng nghe và giải thích cho con hiểu.
Tự đặt mình vào vị trí của con
Cha mẹ hãy tự đặt mình vào vị trí của con và coi con như một người bạn. Hãy thường xuyên nói chuyện, lắng nghe và khuyến khích con bày tỏ những cảm xúc của mình. Trẻ còn nhỏ nên rất dễ tổn thương và trở nên tự ti. Cha mẹ hãy tạo cho trẻ sự tin tưởng rằng gia đình là nơi an toàn và cảm thấy được lắng nghe
Dành nhiều thời gian cho trẻ
Hãy thu xếp thời gian chơi cùng trẻ hàng ngày, cũng như cùng học với trẻ. Hãy chơi những trò chơi khuyến khích trí tưởng tượng và cùng con tạo ra những kỷ niệm đẹp. Đây cũng được coi là phương pháp dạy học tích cực nhất giúp cha mẹ và trẻ tạo ra sợi dây liên kết. Từ đó, giúp con tự tin hơn khi đi học và trong cuộc sống.
2. Hoàn thiện kỹ năng học cho trẻ
Dạy trẻ cách đọc hiểu
Khi vào lớp 1 trẻ sẽ được dạy ít nhất 150 từ và khi trẻ học hết lớp 1 trẻ phải đọc trôi chảy và hiểu những từ đó. Cha mẹ nên hỗ trợ con học tại nhà bằng cách cùng trẻ đọc to những bài tập trên lớp. Đồng thời, khuyến khích trẻ kể những câu chuyện hàng ngày của chính mình để tăng vốn từ cho trẻ. Thêm vào đó, hãy hướng dẫn trẻ cách phát âm và học những từ mới khi đọc sách vào mỗi buổi tối. Đồng thời, cha mẹ nên dẫn dắt hoặc tạo ra những đề tài thảo luận xoay quanh những câu chuyện trẻ đọc. Ví dụ như: “Tại sao nhân vật trong câu chuyện lại làm như thế?”. Điều này giúp trẻ nhớ lâu hơn, hứng thú hơn khi đọc truyện. Trẻ cũng phát triển khả năng tư duy, phân tích và đánh giá sự việc hơn.
Việc giúp trẻ nhớ mặt chữ cũng rất quan trọng. Để trẻ hứng thú và nhớ lâu một chữ nào đó thì khi dạy trẻ bạn hãy hướng sự chú ý của trẻ vào chữ đó và phát âm. Hãy kèm theo những ví dụ sinh động. Ngoài ra, hãy làm những tấm card nhỏ có nhiều màu sắc in hình chữ cái kèm theo hình ảnh minh họa có tên bắt đầu bằng chữ cái đó. Như vậy sẽ giúp trẻ hứng thú và nhớ lâu hơn.
Hãy để con học ở bất kỳ đâu. Ví dụ như đi siêu thị, mỗi khi trẻ cầm món đồ trẻ thích, mẹ hãy chỉ tay vào 1 chữ cái và hỏi con xem đó là chữ gì. Nếu trẻ quên, hãy kiên nhẫn nhắc lại cho trẻ nhớ.
Đừng quá quan trọng vào việc phát âm chuẩn
Khi mới đi học, trẻ không thể phát âm chuẩn như người lớn. Cha mẹ đừng quá chú trọng điều này mà ép trẻ. Như vậy sẽ khiến trẻ mau nản lòng và không thích học. Hãy coi việc phát âm là quá trình học tập. Khi giao tiếp nhiều trẻ sẽ dần sửa được và hoàn thiện hơn.
Đừng tạo áp lực mà phạt hoặc trách mắng trẻ. Hãy động viên và tạo thêm nguồn hứng thú cho con. Sự vội vàng và nóng giận chỉ gây tác dụng ngược. Tuy nhiên, có nhiều trẻ quá nghịch ngợm và mất tập trung thì mẹ nên có cách xử lý để răn đe. Nhưng không nên dùng đòn roi vì trẻ sẽ trở nên cứng đầu hơn.
Dạy trẻ làm quen với chữ cái viết thường trước
Chữ hoa chỉ chiếm 5% sách giáo khoa. Do đó, bạn hãy ưu tiên dạy chữ viết thường cho trẻ trước. Khi trẻ đã thông thạo chữ thường thì mẹ hãy chuyển qua chữ viết hoa và nhớ giải thích cho trẻ hiểu rằng một chữ cái có thể có nhiều cách viết khác nhau nhé.
- Hãy để con đọc và viết cùng một lúc
Khi trẻ bắt đầu học phát âm, mẹ nên để trẻ tập viết chữ cái đó. Như vậy trẻ sẽ nhanh thuộc vì khi trẻ tự viết thành chữ trẻ sẽ nhớ nhanh và nhớ lâu hơn.
Khi trẻ viết chữ, hãy kiên nhẫn vì trẻ không thể viết đẹp được trong những lần đầu tiên. Nét chữ đầu tiên có thể không đẹp nhưng nếu trẻ luyện tập nhiều thì nét chữ sẽ dần đẹp lên.
- Đọc sách cho trẻ nghe hàng ngày
Việc đọc sách cho bé nghe hàng ngày không có tác động trực tiếp giúp con biết đọc. Tuy nhiên, đây là phương pháp này khá hữu ích rất tốt cho sự phát triển của não bộ. Đồng thời, nó còn xây dựng trong con niềm yêu thích và hứng thú với sách và chữ cái. Như vậy, trẻ sẽ hứng thú hơn rất nhiều mỗi khi học chữ. Bởi học thuộc chữ, con có thể tự mình đọc sách, tự đọc những dòng chữ đơn giản trên tivi hay bao bì sản phẩm…
- Cách dạy toán cho trẻ
Ở trường, trẻ sẽ bắt đầu làm quen với những con số. Vì thế trẻ sẽ được học đếm, học viết và sắp xếp các số theo thứ tự từ 1 – 100. Ngoài ra, trẻ cũng được học cách so sánh và sử dụng các dấu lớn, nhỏ và bằng nhau. Lúc này, trẻ có thể cộng với số 20 hoặc ít hơn và trừ đi từ một số 20 hoặc ít hơn.
Ngoài việc học trên lớp, cha mẹ nên giúp con hiểu toán học là một phần trong việc học và có nhiều ứng dụng thực tế. Bên cạnh đó, cha mẹ nên giúp con kết hợp toán với những việc hàng ngày để tránh việc học toán hơi khô khan. Hãy sưu tầm những câu đố vui liên quan đến toán học nhằm giúp trẻ hứng thú với với môn toán. Dạy con phát âm từng chữ cái kèm ví dụ sinh động.
Trẻ thường hay khó tập trung và ham chơi. Do đó, để chuẩn bị cho trẻ phương pháp học lớp 1 thật tốt thì cha mẹ hãy kiên trì để đồng hành cùng con nhé!