Chia sẻ 55 câu chuyện về giáo dục: Từ câu chuyện thứ 11 đến 15

0
2610

Chia sẻ 55 câu chuyện về giáo dục: Từ câu chuyện thứ 11 đến 15

Chiasemeohay.com sưu tầm và chia sẻ với các bạn 55 câu chuyện về giáo dục hay và nhiều ý nghĩa. Đọc và cùng cảm nhận nhé..

Câu chuyện thứ mười một: Đánh giá đúng năng lực và có phần thưởng xứng đáng

Nhiều lần trong năm, thầy có phần thưởng tặng các học sinh có hạnh kiểm tốt, có thành tích học tập tốt và có hành động đáng biểu dương. Tuy nhiên, nếu học sinh nào hỏi xin phần thưởng thì không bao giờ thầy cho.

     Hỏi xem mình có được tặng thưởng vì đã có hạnh kiểm tốt không thì quả là một điều khiếm nhã. Ta luôn cố gắng trở nên tốt bởi vì ta mong muốn bản thân ngày càng hoàn thiện hơn chứ không phải vì nghĩ sẽ được tặng thưởng. Thầy thường có một hình thức khen thưởng nào đó cho những học sinh được điểm 10 khi thi kiểm tra. Nếu học sinh nào giành được điểm 10 và hỏi liệu em có nhận được cái gì không thì em ấy sẽ không nhận được gì cả.

Trong đời thường, khen thưởng không phải luôn được trao cho những ai đã làm tốt công việc của mình. Mọi người làm tốt công việc của mình là bởi vì họ cảm thấy tự hào khi hoàn thành công việc ấy. Họ yêu mến những gì họ đã làm và/hay họ không muốn bị đuổi việc.
Dù vậy, thầy vẫn thường xuyên khen thưởng các học sinh của thầy. Nhưng thầy biết rằng thầy phải chuẩn bị cho chúng bước vào trường đời sau khi rời ghế nhà trường. Thầy cố giúp các học sinh thực hành và nhận thức được rằng mình làm tốt. Không phải vì phần thưởng mà là vì chính mình, và đó mới là điều quan trọng.
Thầy cũng hay xé rào khi tặng thưởng các học sinh của thầy và khen ngợi chúng vì đã làm tốt việc gì. Nhưng điều này cũng chỉ dừng lại ở mức thầy cảm thấy trẻ hài lòng với những gì mà thầy cho chúng. Chứ chưa đến mức chúng thắc mắc “Chúng em sẽ nhận được cái gì tiếp theo đây?”. Khi thầy trả lại bài cho cả lớp, một bạn nữ có điểm cao nhất lớp nói:. “Thưa thầy, em sẽ nhận được cái gì đây?”.

Từ lúc ấy, thầy thấy cần chấm dứt ngay mọi thứ thắc mắc tương tự. Thầy muốn cả lớp hiểu rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào học sinh cũng không được hỏi thầy rằng chúng em có được nhận quà không. Hoặc chúng em có được nhận loại quà gì.

Học sinh có thể còn có chút hám lợi trong lòng nhưng phải làm sao để cho hành động của chúng không phản ánh điều đó. Nhiều lần, thầy hi vọng việc học cách đón nhận cái mà người khác bất ngờ đem đến hay được người khác khen tặng sẽ làm mất đi. Và làm thay đổi thái độ ứng xử của chúng đối với những lợi lộc có được từ một thành tích cá nhân nào đó.
Mặc dù thầy đã nói với các học sinh về qui tắc này. Nhưng đôi khi biểu hiện này cũng vẫn còn xuất hiện. Một lần thầy thức trễ để làm bánh sôcôla cho đám trẻ sau khi làm xong kiểm tra môn lịch sử về chiến tranh cách mạng. Sau khi học sinh đã nộp xong bài, một bạn hỏi: “Thưa thầy, chúng em sẽ nhận được gì đây khi đã làm được bài kiểm tra?”.
Cả lớp im phăng phắc. Bao đôi mắt mở to sửng sốt. Đôi mắt của thầy mở to nhất. Thầy giận tái người vì đã thức đêm thức hôm để làm những cái bánh chết tiệt này!… Đúng, nhưng thầy biết rằng không thể đem phát cho học sinh một khi bạn ấy đã hỏi. Nếu thầy làm thế thì thầy đã nuốt lời và quên mất qui tắc đã đưa ra.

Thầy chỉ nói ngắn gọn: “Thầy đã tự làm những cái bánh này cho các em – thầy ngừng lại và cân nhắc từng lời.  Nhưng một khi các em hỏi thầy thì không ai nhận được gì cả”. Nói rồi thầy bước ra khỏi lớp. Thầy đem những cái bánh cho cô giáo lớp bên cạnh để chia cho học sinh của lớp cô. Không một em học sinh nào trong lớp ấy hỏi thầy phần thưởng kế tiếp là gì.

Đúng là một bài học khó… học. Nhưng nếu nó giúp trẻ biết cách đánh giá đúng những nỗ lực của chúng cao hơn là những phần quà thì bài học ấy cũng đáng để học lắm.
Câu chuyện về giáo dục thứ mười hai: Phần thưởng xứng đáng

Hãy trả lời mọi câu hỏi viết bằng một câu đầy đủ. Chẳng hạn, nếu câu hỏi là “Thủ đô nước Nga là gì?”. Em nên trả lời “Thủ đô của nước Nga là Matxcơva”. Tương tự, khi chuyện trò với người khác, việc trả lời thành câu đầy đủ là rất quan trọng để tỏ lòng tôn trọng người hỏi.

     Chẳng hạn, nếu có ai hỏi “Bạn có khỏe không?”, thay vì chỉ trả lời cụt lủn là “Khỏe”. Em nên nói “Mình rất khỏe, cảm ơn. Còn bạn thì sao?”.

Qui tắc này giúp học sinh phát triển một yêu cầu trong ngôn ngữ viết. Nó giúp trẻ học cách phát triển và sắp xếp các ý tưởng của mình. Nhất là khi các câu hỏi đòi hỏi một câu trả lời ngắn gọn nhưng phải đầy đủ ý nghĩa. Chẳng hạn, câu hỏi “Bạn có cho rằng đề nghị thêm 45 phút nữa vào một buổi học sẽ được thông qua?”. Có thể được trả lời “không” mà không cần kèm theo lời giải thích nào. Trừ khi học sinh được yêu cầu trả lời sâu câu hỏi với đầy đủ lý lẽ.

Một đồng nghiệp nữ của thầy dạy toán và khoa học. Nhưng cô đã làm được một việc tuyệt vời là đưa kỹ năng viêt vào các chủ đề dạy của mình. Cô yêu cầu học sinh tổ chức một ngày toán học. Và trong ngày đó các em học sinh viết bài trình bày cách mình đã giải các vấn đề khác nhau ra sao.

Cô luôn yêu cầu các học sinh bắt đầu câu trả lời bằng cách lặp lại câu hỏi và sử dụng câu đầy đủ. Đây là cách làm xuất sắc để hiểu rõ các chủ đề. Và với tư cách là thầy dạy viết cho học sinh, thầy đánh giá cao nỗ lực ngoại khóa này của cô đối với học sinh của mình nhằm giúp chúng phát triển kỹ năng viết.

Mỗi năm ở trường thầy, các học sinh phải viết một bài luận. Chúng được yêu cầu đọc một đoạn văn và sau đó trả lời những câu hỏi ngắn về đoạn văn ấy. Vào lúc ấy, lớp của thầy lại có nhiều học sinh yếu về môn luận văn này. Tuy nhiên, khi tập viết bài luận văn như thế, thầy luôn hướng dẫn các bạn ấy trả lời các câu hỏi theo cách dưới đây:

Thí dụ:

Trong số các vận động viên bóng rổ, em nghĩ ai là người giỏi nhất, L. hay V.?

1. Lặp lại câu hỏi và thêm phần trả lời:
Trong số các vận động viên bóng rổ, em nghĩ L. giỏi nhất.

2. Đưa ra một lý do vì sao bạn lại cho là như thế:
Em nghĩ là L. giỏi nhất bởi vì bạn ấy ném trái bóng quyết định chiến thắng.

3. Hỗ trợ câu trả lời của bạn:
Sở dĩ bạn ấy ném được trái bóng quyết định chiến thắng là vì bạn ấy rất bình tĩnh trước các áp lực. Hơn nữa bạn có quyết tâm cao để giành chiến thắng.

4. Lặp lại câu hỏi và đi đến kết luận:
Bởi vậy, em nghĩ L. là vận động viên bóng rổ giỏi hơn V.

Dựa trên cái sườn chính này, các học sinh của thầy đã nhanh chóng biết viết những câu trả lời đủ ý và đầy đủ cho bất kỳ câu hỏi nào. Sau khi đã làm chủ được kỹ thuật viết này, nhiều học sinh còn có thể sử dụng cách viết cơ bản này để viết những câu trả lời sáng tạo và nhiều ý hơn, nhưng những câu trả lời của chúng vẫn giữ được một cấu trúc cân đối cần thiết để được đánh giá là những bài viêt xuât sắc. Nhiều học sinh lớp khác cũng lấy cách viết này để học tập. Các bạn ấy đã thử vận dụng và cũng đạt được những thành quả tương tự.
Trong năm đầu tiên đi dạy, thầy chỉ mới nhận lớp ba tuần lễ trước khi học sinh phải làm bài luận kiểm tra. Và rất nhiều học sinh năm ấy chỉ còn biết ngồi chống bút mà chẳng viết được gì. Hình ảnh này khiến trái tim thầy như thắt lại, nhưng mọi việc thầy có thể làm là mỉm cười động viên các em ấy hãy cố gắng. Thầy đã dạy hai lớp 5 của trường, lớp thứ nhất đã đội sổ trong toàn trường về bài kiểm tra môn luận vào năm đầu tiên thầy nhận lớp.

Năm kế tiếp, thầy quyết định phải thăng hạng. Thầy triển khai cách viết cơ bản này và thầy trò cùng miệt mài thực tập suốt năm trên mọi loại đề tài. Đến ngày kiểm tra môn luận, toàn bộ học sinh lớp 5 của thầy đều làm được bài và lớp của thầy được xếp hạng đầu trong toàn trường. Thậm chí thầy còn có những học sinh được xếp hạng cao. Bởi các em đã biết lặp lại phần câu hỏi, rồi đưa ra phần trả lời. Các em biết đưa thêm phần hỗ trợ câu trả lời của mình, cuối cùng nhắc lại phần câu hỏi và đi đến kết luận.

Câu chuyện thứ mười ba: Thưởng phạt xứng đáng

Mỗi học sinh đều phải làm bài tập ở nhà mỗi ngày và không một học sinh nào được phép ngoại lệ.

     Là người lớn, chúng ta đã quen với những hạn định cuối cùng. Cùng với những ngày hẹn, với áp lực phải đúng giờ. Chúng ta phải thanh toán các hóa đơn vào một hạn định nào đó, phải hoàn thành những công việc nào đó. Hơn nữa phải hoàn tất các công việc của mình một cách nhanh chóng và có hiệu quả. Khi nói với các học sinh của thầy về công việc và những gì đòi hỏi họ, thầy tiếp cận chuyện này theo quan điểm công việc là một phần việc làm của học sinh. Thầy muốn học sinh học cách phải hoàn thành đúng giờ và hoàn thành tốt công việc của mình ngay từ lúc còn nhỏ.

Cách thầy làm là mỗi học sinh phải hoàn thành một phần bài tập ở nhà mỗi ngày. Đây có phải là việc làm gần như không thể làm nổi chăng? Không hẳn là như thế. Nếu làm tôt điều này, ta có thể tập cho mỗi đứa trẻ hoàn thành mọi bổn phận của mình vào đúng lúc mà thật ra điều này chỉ cần một chút cố gắng. Có ba điều thầy đã làm để biến điều ấy thành hiện thực.

Thứ nhất là phạt ở lại trường sau giờ học. Nếu không làm bài tập ở nhà, trẻ sẽ bị phạt ở lại lớp vào ngày hôm sau để làm thêm bài tập tại chỗ. Điều này là có kết quả, nhưng ta không thể chỉ trông chờ vào… hình phạt. Nếu tất cả những gì ta làm là phạt trẻ thì ta sẽ không thể đạt được kết quả tốt.

Thứ hai là niêm yết công khai. Thầy cho treo một tấm biển ở ngoài lớp, trên đó ghi rõ liên tiếp trong bao nhiêu ngày toàn thể học sinh trong lớp đã làm đầy đủ bài tập ở nhà. Trên tấm bảng này ghi:
Toàn thể học sinh trong lớp đã hoàn thành bài tập ở nhà của mình trong… ngày liên tiếp.
Mỗi ngày, sau khi kiểm tra xem từng học sinh đã làm bài tập ở nhà như thế nào. Thầy lại thay đổi con số trên bảng. Trẻ rất thích điều này và đó là một nguồn động viên tích cực đối với chúng. Trong 10 ngày đầu liên tiếp, trẻ không được thưởng gì cả. Tuy nhiên, mỗi ngày kể từ sau ngày thứ 10 trở đi khi cả lớp tiếp tục hoàn thành bài tập ở nhà thì hôm sau thầy lại có thưởng cho cả lớp. Đây là cách để thầy nhận ra một điều: mỗi học sinh trong lớp của thầy đều có ý muốn hoàn tất bài tập ở nhà một cách đúng đắn.

Thứ ba là thầy dùng sức ép của bạn bè đồng lứa. Ta không sao hình dung nổi lớp học đã xôn xao như thế nào khi một em học sinh quên làm bài tập ở nhà. Và đẩy lớp học trở lại điểm xuất phát ban đầu là “0 ngày liên tiếp” đâu. Thật thế, thầy không la rầy đứa trẻ đã phá vỡ cái vệt thành tích này. Gánh nặng dư luận ấy thường đã quá sức chịu đựng của em ấy rồi.

Lấy thí dụ như em D. Khi phá vỡ cái vệt thành tích này của cả lớp, em dường như chẳng để tâm. Đó chỉ là thái độ của em. Được thôi, cả lớp đã “tính sổ” với em ấy về việc này. Thầy đã chứng kiến các bạn trong lớp nhìn soi mói bạn ấy. Thầy lại quan sát thấy các bạn trong lớp đã làm ầm ĩ với bạn ấy vào buổi ăn trưa. Các bạn đã “lên lớp” bạn ấy rằng có biết thế nào là bổn phận của người học sinh đối với bài tập ở nhà không… và thầy đã không nói gì. Thầy hiểu bạn ấy đã hứng chịu toàn bộ cơn giận dữ này của cả lớp. Có thể bạn ấy sẽ không còn dám “ngựa quen đường cũ” nữa.
Hay lấy thí dụ về trường hợp của một bạn nữ khác là A. Những trách cứ của cả lớp hẳn đã làm bạn ấy bực mình. Mà quả thật bạn ấy đã tỏ thái độ bất cần rằng sẽ vẫn cứ không làm bài tập ở nhà. Bởi vậy, thầy nói với cả lớp, nếu bạn ấy không hoàn thành bài tập ở nhà thì đừng ai nói năng gì với bạn ấy. Bởi nếu như các bạn trong lớp lại nhắc nhở thì thầy nghĩ bạn ấy cũng lại không chịu tiếp thu mà lại có thái độ lì lợm như trước. Khi bạn ấy lủi thủi một thân một mình vì chẳng bạn nào chơi với mình thì có cơ may lớn hơn là bạn ấy sẽ làm tốt công việc của mình.
Lại lấy trường hợp của H, cô học sinh giỏi nhất và siêng năng nhất của lớp… Và rồi bạn ấy lại đã trở thành em học sinh phá vỡ vệt thành tích liên tiếp của lớp vào ngày thứ 42. Lần ấy, thầy bước đến bàn học của em để kiểm tra xem em ấy đã làm bài chưa thì em bật khóc nức nở. Đã xảy ra một lỗi lầm mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải.
H có trách nhiệm lo cho hai người em cùng mẹ khác cha của mình chuẩn bị đi học. Nên trong lúc cập rập ra khỏi nhà em đã không may để quên xấp bài tập ở nhà trên bàn học cạnh giường ngủ. Thầy lập tức hiểu ngay rằng em đã có làm bài tập ở nhà, bởi vậy thầy bước lên trước lớp và nói:

“Thầy cần trao đổi với cả lớp. Tất cả chúng ta đều biết rõ bạn H là một trong số những học sinh chuyên cần và siêng năng nhất của lớp chúng ta. Bạn ấy đã làm hết sức mình để giữ vững cho lớp chúng ta có một thành tích trong 42 ngày liên tiếp, và mặc dù chuỗi thành tích này sẽ chấm dứt vào ngày hôm nay. Nhưng thầy nghĩ rằng cả lớp hãy dành cho tất cả chúng ta và cả bạn H một tràng pháo tay chúc mừng bởi điều thầy sẽ nói với các em ngay lúc này đây. Thầy dám cá là không có lớp nào trên cả đất nước này mà các em học sinh đều hoàn thành bài tập ở nhà của mình suốt 42 ngày liên tiếp trong năm nay như thế cả. Và tất cả chúng ta đều có quyền tự hào về điều này”.

Hẳn nhiên, không có hình phạt nào dành cho bạn H cả bởi điều ấy là không cần thiết. Việc xử lý những tình huống nằm trong tay chúng ta như thế nào không thể chỉ tùy thuộc vào một đứa trẻ.

Câu chuyện thứ mười bốn: Hãy làm việc hết mình

Khi thầy cho bài làm ở nhà thì đừng than vãn hay kêu ca, kẻo nếu không thầy cho tăng lên gấp đôi. Nào, hãy nghĩ đến nơi em đang làm việc… Còn nào, hãy nghĩ đến những người đang làm việc với em…
     Có bao nhiêu người em cho là tích cực, bao nhiêu người là tiêu cực? Những ai em dành thời gian chuyện trò và trao đổi công việc? Thầy nghĩ câu trả lời là dễ thấy thôi, nhưng sao vẫn có nhiều người lại cứ giữ thái độ tiêu cực. Và xem ra lúc nào cũng có thể kêu ca về bất cứ việc gì được giao hay đòi hỏi họ phải cố gắng hơn một chút.

Thầy rất ghét có quanh mình những con người như thế. Bởi vì điều ấy thật sự làm thầy chán ngán khi cứ phải nghe họ càm ràm bao điều về cuộc sống. Nhiều khi có những việc cần làm thì ta lại không làm hay không muốn làm vào lúc cần đến. Nhưng đó lại là việc thuộc bổn phận của ta và bởi vậy ta cần phải làm là không được than vãn hay kêu ca là ta không muốn làm theo kiểu như thế.

Còn rất nhiều khi là ta đã lãng phí biết bao công sức để tránh né không làm một việc nhiều hơn cả bắt tay vào làm việc ấy. Đôi khi con cái em yêu cầu em giúp chúng làm bài ở nhà. Hay khi một người họ hàng lớn tuổi muốn em đến thăm viếng hay cắt giúp bãi cỏ thì em lại chẳng cảm thấy giống như là làm việc. Điều này là tự nhiên thôi bởi đây là một bổn phận và là một việc ta cần phải làm mà không được kêu ca hay tỏ thái độ thờ ơ.
Thầy cô đưa thái độ tích cực vào lớp học của thầy và dù trong bất cứ trường hợp nào. Thầy cũng không cho phép học sinh kêu ca ầm ĩ trước bất cứ nhiệm vụ nào được giao hay bất cứ yêu cầu nào đối với chúng. Thế nhưng, hình phạt mà thầy áp dụng trong qui tắc này . Đó là tăng gấp đôi nhiệm vụ lên – đã đem đến cho thầy không ít buồn phiền trong quá khứ.
Nhiều thầy cô cứ nói với thầy: “Này, mình thật sự không đồng tình với qui tắc này của bạn. Ta không bao giờ nên sử dụng bài làm ở nhà như một thứ hình phạt”. Thầy hiểu quan điểm của họ. Nhưng vào ngay lúc ấy, tình trạng ta thán và kêu ca về bài làm ở nhà là không thể chịu đựng được.
Để ngăn chặn điều ấy thì phải răn đe triệt để. Cái nào theo em là tồi tệ? Có một lớp học mà lúc nào cũng kêu ca về bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Lúc nào cũng thấy gieo rắc những tình cảm tiêu cực về việc học hành. Hay là đôi ba lần phải làm bài tăng gấp đôi nhưng sau đó học sinh đều chấp nhận mọi nhiệm vụ được giao mà không kêu ca hay ta thán gì.

Thầy nói với các học sinh của thầy rằng nếu các em thấy bài làm về nhà là quá nhiều cho mỗi tối thì thầy rất sẵn lòng lắng nghe những ý kiến của các em. Thế nhưng, các em cần phải đề đạt ý kiến của mình một cách đàng hoàng. Các em nên biết tôn trọng người khác chứ không thể kêu ca ầm ĩ.

Chẳng hạn, thầy nói với bọn trẻ là các em có thể nói như sau: “Thưa thầy, nhiều bạn trong lớp có buổi trình diễn tại trung tâm cộng đồng. Thầy có nghĩ là có cách nào đó giảm thiểu số trang mà chúng em cần đọc để làm bài ở nhà không?”.

Thầy luôn muốn trao đổi với học sinh trên mọi vấn đề theo kiểu như thế và thầy luôn giảm bớt khối lượng này cho chung cả lớp. Chứ không chỉ cho riêng một nhóm học sinh có những nghĩa vụ nào đó để rồi lại vào đó mà không hoàn thành đầy đủ bài làm ở nhà của mình.

Câu chuyện thứ mười lăm: Học cách nguyên tắc

Khi học với một thầy cô giáo đứng lớp thay thầy, các em cũng cứ phải tuân thủ những qui tắc giống y như khi học với thầy vậy. Thầy biết điều này là khó nhưng lại rất quan trọng đấy. Tất cả chúng ta đều đã nghe câu tục ngữ “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”. Hay “Khi mèo vắng nhà thì chuột nghênh ngang”! Thầy muốn học sinh của thầy có một tâm thái là các em học là học cho bản thân và tự hào về việc học tập của mình. Cho dù có hay không có thầy cô đứng bên cạnh.
Thầy muốn các em là những học sinh độc lập biết dành 110% sức lực của mình cho việc học tập. Bởi vì đó là điều các em muốn làm chứ không phải là điều các em buộc phải làm.

Đưa được điều này vào đầu những đứa trẻ mới 12 tuổi quả là một thách đố. Thầy mới trò mới và thế là chúng có thể biến lớp học thành cái chợ khi thầy mới vốn còn chút dè chừng với chúng. Bằng bao trò tinh quái đúng như câu “Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”.

Để giữ học sinh không “quậy” khi thầy vắng, thầy đã áp dụng một số cách. Cách thứ nhất là thầy nhắc học sinh phải duy trì trật tự trong lớp cho dù có hay không có mặt thầy trong lớp. Thầy lưu ý chúng là phải có thái độ ứng xử đàng hoàng nhất. Và nếu thầy phát hiện em nào quậy phá trong lúc thầy không có mặt ở lớp thì hậu quả phải gánh chịu sẽ rất nặng nề khi thầy trở lại. Thầy rất thích câu “hậu quả sẽ rất nặng nề”. Điều này là rất có ý nghĩa bởi thật sự thầy không nói ra những gì thầy sắp làm. Bởi vậy thầy không từ bất cứ việc gì.
Dù vậy, thầy cũng phải thành thật nói với em rằng nhiều khi các thầy dạy thế cho lớp của thầy đã tỏ ra thô bạo với học sinh. Thậm chí vô lý và không đối xử thích hợp với một nhóm học sinh. Trong những trường hợp này, lỗi phần lớn đối với những cư xử không đúng của học sinh. Thầy cho là ở phía người thầy. Thầy không bao giờ cho học sinh biết điều ấy. Thầy cứ tỏ ra giận dữ với chúng giống như trời sắp sập đến nơi. Nhưng thầy lại không hề phạt chúng.
Thầy ra vẻ khi nói với chúng: “Này, các em đã làm thầy quá thất vọng và các em sẽ phải hối tiếc về những hậu quả do mình làm ra”. Nhưng không có bất cứ chuyện gì xảy ra cả. Đây là câu thầy thường hay nói: “Thầy luôn làm mọi điều vì các em đến nỗi có bệnh đi nữa thì thầy vẫn còn đưa các em đi dã ngoại. Đem đến cho các em một nền giáo dục tốt nhất có thể được. Vậy mà đây là cách các em đối xử với thầy sao? Thôi, thầy cần phải nói với các em rằng khi các em làm những việc tương tự thì điều ấy khiến thầy chẳng còn muốn làm những điều hay ho khác. Mà thầy đang dự định làm cho lớp chúng ta. Và đó là một sự tủi hổ”. Bài “lên lớp” này đã có tác dụng.

Cách làm tốt nhất của thầy để khiến bọn trẻ cư xử đúng đắn với một thầy dạy thế quả đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ phía thầy. Nhưng nó lại cực kỳ… thành công. Khi biết mình sẽ vắng mặt ít ngày, thầy đem máy quay video của trường về nhà và thầy tự ghi hình mình đang giảng dạy các bài học trong ngày. Thầy sẽ nói giống như là đang ở lớp vậy, chẳng hạn như: “Nào, giờ thì thầy yêu cầu các em mở sách văn học ra, ở trang 134”.

Còn cô T., “cô giáo dạy thay thầy”, nhờ cô bấm nút tắt và sau đó bật nút mở khi các học sinh đã mở đúng trang sách. Rồi thầy đọc cho học sinh nghe, dừng lại những chỗ cần thảo luận. Giải thích từ ngữ mà thầy nghĩ chúng sẽ hỏi thầy sau đó. Tuy nhiên, cái chính ở đây là một chút thủ thuật để lôi kéo lại sự chú ý của học sinh. Trước tiên, thầy nói với chúng ngay khi mở đầu băng video rằng thầy có thể nhìn thấy từng em trong lớp. Nếu có em nào quậy phá là thầy biết hết.

Tất nhiên chuyện này, với chúng, nghe có vẻ buồn cười thật. Nhưng một ngày trước khi vắng lớp học, thầy luôn gặp một vài học sinh và bắt chúng giữ bí mật. Thầy nói với một em rằng khi thầy nói thầy có thể nhìn thấy các bạn trong lớp thì thầy muốn em ấy hỏi lại: “Thưa thầy, thầy có nhìn thấy chúng em rõ không?”. Rồi khi băng video hoạt động và bọn trẻ hỏi liệu thầy có thể nhìn thấy lớp học rõ chưa thì thầy đáp lại: “Rõ rồi, thầy đang nhìn thấy! Nào, giờ thì em chú ý nhé!”. Điều này luôn ám ảnh học sinh và thậm chí thầy đã gây sốc cho một số ít thầy cô dạy thay ở nơi này nơi khác.

Có một số lý do để thầy thích sử dụng video. Trước hết, bọn trẻ không mất một ngày giảng dạy. Thầy đang “ở đó” để tiếp tục dạy chúng bài học trong ngày. Thứ hai, thầy không phải lo lắng viết lại giáo án cho thầy cô dạy thay. Giáo án đã có sẵn, chỉ việc bật nút mở rồi bật nút tắt thôi. Thứ ba, bọn trẻ cảm kích trước nỗ lực mà thầy đã bỏ ra để quay video.

Chúng không bao giờ nói với thầy điều này nhưng khi học qua vide. Thầy có thể nói rằng việc này có nghĩa là thầy đã bỏ thời gian để quay video giúp chúng. Bởi vậy chúng không phải ghi chép và đọc. Bốn là cũng ít bị gò bó. Các thầy cô dạy thay nhận xét là thật dễ dàng kiểm soát một lớp khi tất cả học sinh chỉ có mỗi một việc nhìn vào màn hình video. Và tất cả bọn trẻ đều chăm chú nhìn lên. Thầy diễn xuất hài hước và làm nhiều trò vui nhộn. Bởi thế bọn trẻ cứ dán mắt vào màn hình và thích thú theo dõi.

Ý tưởng này có thể cũng có ích khi em ở xa không gặp mặt được con cái của mình như phải đi làm ăn, công tác xa nhà hay nghỉ hè. Em có thể ngồi trước máy quay video và đọc cho chúng nghe một trong những truyện cổ tích hay nhất. Rồi các con của em mỗi khi nhớ đến bố, chúng có thể bật video nhiều lần chúng thích. Giờ đây chúng ta đang ở vào thời đại truyền thông và bởi vì nếu chúng ta không ở đó thì không có nghĩa là chúng ta lại không hiện diện ở đó.

Hãy chia sẻ kinh nghiệm sống này nếu bạn thấy hữu ích!