Kinh nghiệm phỏng vấn: 10 câu trả lời ăn điểm khi đi phỏng vấn
Những người ít kinh nghiệm phỏng vấn khi đi xin việc thường bị động trong vòng phỏng vấn trực tiếp, và thế là họ liên tục bị nhà tuyển dụng bắt bí bởi những câu hỏi tuy dễ mà khó – khó mà dễ. Hôm nay chúng tôi xin tổng hợp và giới thiệu đến các bạn những câu hỏi thuộc dạng tuy quen mà lạ – tuy dễ mà khó mà các nhà tuyển dụng thường đưa ra, để bạn biết cách ôn từ trước cho chủ động nhé.
Câu hỏi 1. Giới thiệu về bản thân mình.
Đây là câu hỏi quen thuộc mở đầu cho cuộc phỏng vấn, bạn cần chuẩn bị trước những ý chính mình sẽ nói ra như kinh nghiệm của bản thân, khả năng, ưu điểm… Tốt nhất đừng chia sẻ những vấn đề chung chung quanh quanh, mà hãy tập trung vào công việc và liên quan đến nghề nghiệp. Đó chính là những thứ nhà tuyển dụng muốn nghe.
Hãy truyền đạt những ưu điểm tốt nhất về bản thân.
Câu hỏi 2. Tại sao bạn lại nghỉ việc ở chỗ làm cũ và xin vào đây.
Đây là một câu hỏi có vẻ dễ nhưng lại khá khoai đấy, vì câu trả lời của bạn sẽ trả lời cho quan điểm về công việc bạn sắp làm. Đừng có nói xấu công ty cũ, cũng đừng nói sang đây vì lương bên này cao hơn. Điều đó sẽ làm cho nhà tuyển dụng bất an về sự ổn định của bạn trong công ty họ. Tốt hơn hết, hãy nói những câu mang tính chất tích cực như: Tôi cần một môi trường tốt để phát huy hết khả năng của mình.
Câu hỏi 3. Thế mạnh của bạn là gì.
Đừng kể ra dài dòng những điểm mạnh trong cuộc sống, hãy kể những điểm mạnh về chuyên môn, thế mạnh về làm việc nhóm hoặc những thứ tốt liên quan đến công việc bạn đang xin vào làm.
Câu hỏi 4. Vậy còn điểm yếu của bạn là gì.
Ai cũng đều có yếu điểm, nhưng chỉ nên điểm sơ sơ những điểm yếu có vẻ vô hại với công việc. Và chuẩn bị sẵn vài điểm mạnh để khắc chế điểm yếu đó. Giả dụ, điểm yếu của tôi là cẩn thận cho nên tôi làm việc hơi chậm. Nhưng bù lại, tôi luôn sẵn sàng làm thêm giờ để hoàn thành công việc.
Câu hỏi 5. Bạn biết gì về công việc bạn đang xin vào, và biết gì về công ty chúng tôi?
Cách tốt nhất cho câu hỏi này là bạn phải tìm hiểu thật kĩ về hai thứ đó trước thời điểm phỏng vấn, có thể tìm hiểu thông qua website, qua người quen hoặc các phương tiện thông tin đại chúng khác.
Câu hỏi 6. Điều gì khiến bạn nghĩ rằng mình nên được tuyển dụng?
Nêu những quan điểm công việc của bạn sao cho nhà tuyển dụng thấy nó phù hợp với vị trí bạn đang xin vào, dẫn dắt nêu ra những kinh nghiệm mà bạn từng học được qua công việc cũ.
Câu hỏi 7. Động lực giúp bạn hăng say làm việc là gì?
Hãy đừng chỉ tập trung nói đến chế độ lương thưởng, mà hãy nói về niềm vui của bạn khi vượt qua được thử thách, với các nhà tuyển dụng thì đây là một động lực trong sáng để gây ấn tượng với họ.
Chia sẻ quan điểm về động lực trong sáng trong công việc.
Câu hỏi 8. Tại sao bạn lại xin vào vị trí này?
Bạn hãy trả lời dựa vào những tiêu chí của nhà tuyển dụng công việc, và cho họ thấy rằng bạn đáp ứng được những nhu cầu đấy. Đừng đưa ra câu trả lời củ chuối như kiểu: Tôi mới thất nghiệp và tôi cần một việc làm ngay”… Điều đó gây ra sự bất lợi vô cùng cho bạn.
Câu hỏi 9. Công việc này thường xuyên bị áp lực, bạn sẽ làm cách nào để vượt qua?
Hãy chia sẻ những cách vượt qua áp lực bạn đã áp dụng, ví dụ như xem phim, đọc sách , chơi thể thao…
Câu hỏi 10. Nếu được nhận vào vị trí này, hãy tưởng tượng 5 năm nữa bạn sẽ như thế nào?
Đây là một dạng câu hỏi có tính định hướng về chiến lược cũng như tham vọng thăng tiến trong công việc của bạn. Bạn cần phải có một cái nhìn tích cực và định hướng rõ ràng trong đầu trước khi trả lời câu hỏi này. Hãy chia sẻ về kế hoạch cũng như dự định phát triển nghề nghiệp của bạn với nhà tuyển dụng.
Trên đây là 10 câu hỏi thường gặp nhất trong các cuộc phỏng vấn nghề nghiệp và định hướng những dạng trả lời ấn tượng nhất. Chúc các bạn có một công việc như ý và phát triển tốt công việc đó của mình.