Những sai lầm tại hại khi hạ sốt cho trẻ!

0
3489

Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng khuyến cáo không hạ nhiệt bằng vật lý, không đắp khăn lạnh, tắm lạnh hay hườm lạnh. Nhiều thí nghiệm cho thấy các biện pháp này chỉ làm trong trường hợp say nóng, say nắng còn sốt do bệnh lý nhiễm khuẩn thì không làm nữa.

Sốt cao khiến trẻ rét run… nhưng lại đắp chăn ấm, hạ nhiệt bằng đá lạnh, lạm dụng vào thuốc, hạ nhiệt thật nhanh… là những sai lầm kinh điển của nhiều bà mẹ Việt trong việc hạ sốt cho trẻ em. Đặc biệt, trong thời tiết nắng nóng này, trẻ sốt không hạ nhiệt đúng cách sẽ gây tăng thân nhiệt cao vọt, nguy hiểm cho trẻ.

BS Nguyễn Đông Hải, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), những ngày nắng nóng vừa qua trẻ em bị các bệnh lý viêm đường hô hấp vào khoa khám vẫn đông, duy trì ở mức trên 40% trong tổng số trẻ đến khám. Đặc biệt nhiều trường hợp sốt cao vì nắng nóng, mất nước, lại ở trong môi trường bức bối, ngột ngạt… nên sốt càng cao hơn.

Nắng nóng là tác nhân khiến nhiều trẻ em mắc các bệnh lý say nóng, sốt, viêm đường hô hấp trong thời gian qua

 Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) sốt là một phản ứng tốt của cơ thể với các tác nhân gây bệnh. Thế nhưng khi sốt quá cao, không biết cách hạ sốt lại gây nhiều phiền toái cho trẻ. Dưới đây, TS Dũng liệt kê những sai lầm kinh điển và vô cùng phổ biến của các bà mẹ Việt khi chăm con sốt và cách hạ sốt đúng cách.

Đắp chăn, mặc ấm cho trẻ khi sốt cao đến rét run…

“Sai lầm này, tôi khẳng định, 10 bà mẹ đưa con vào viện thì đến 9 bà khi nghe con kêu rét run liền đắp chăn cho trẻ, mặc ấm cho trẻ. Điều này cực kỳ nguy hiểm, càng đẩy nhiệt độ cơ thể lên cao, trẻ lại càng rét run, càng kêu lạnh và đến khi lên “đỉnh điểm” thì trẻ co giật, tím tái”, BS Dũng nói.

TS Dũng giải thích, trẻ em (kể cả người lớn) khi sốt quá cao thì bao giờ người cũng rét run, chân tay lạnh ngắt, thậm chí nhìn thấy vân tím ở chân. Nguyên nhân là khi sốt quá cao sẽ gây hiện tượng co mạch ngoại vi nên có cảm giác lạnh nhưng thực tế nhiệt độ trong người nóng rừng rực, lên đến 40 – 41 độ C.

Vì thế, dù trẻ kêu lạnh, đòi đắp chăn thì bố mẹ cần nhớ nguyên tắc quan trọng là không được đắp chăn vì càng đắp thân nhiệt càng lên cao, càng lạnh. Không được đóng kín cửa mà phải mở cửa, quạt thoáng phòng (không thốc vào người trẻ cho cho thông gió) và dùng thuốc hạ nhiệt để hạ nhiệt độ cơ thể, khi nhiệt độ hạ xuống chân tay trẻ sẽ dần ấm lên và trẻ sẽ hết lạnh.

“Nhưng có nhiều bà mẹ phàn nàn, cho con uống thuốc hạ sốt cả nửa tiếng mà trẻ vẫn không hạ sốt? Khi uống thuốc cơ thể sẽ thoát nhiệt qua da, nhưng việc thoát nhiệt qua đối lưu rất quan trọng. Mà muốn đối lưu thì có phải có tốc độ dòng khí ở xung quanh mình. Vì thế nếu uống
thuốc mà không có đối lưu thì không thoát nhiệt được nên phải yêu cầu các mẹ bật quạt, mở thoáng cửa phòng là thế. Không thể hạ sốt nếu chỉ trông chờ vào thuốc”, TS Dũng nói.

Thúc hạ sốt nhanh

Sốt là triệu chứng thường gặp ở các trẻ mắc bệnh truyền nhiễm, việc theo dõi và chăm sóc trẻ bị sốt, theo dõi cơn sốt, nhiệt độ đóng vai trò quan trọng. Thế nhưng nhiều ông bố mà mẹ đều có chung tâm lý, cứ khi con bị sốt là phải hạ sốt thật nhanh bằng mọi cách, từ khi có con bị sốt, phụ huynh nào sốt ruột muốn con phải hạ sốt thật nhanh nên áp dụng mọi cách: uống thuốc, đặt thuốc ở hậu môn, dùng thuốc kết hợp, khăn ấm lau người, ngâm con vào bồn nước ấm, dán miếng dán lạnh…

“Thúc hạ sốt nhanh cho trẻ là không nên. Vì khi thân nhiệt xuống quá nhanh, đột ngột lại nguy hiểm cho trẻ, do cơ thể không chịu được sự thay đổi quá nhanh. Vì thế, việc giảm sốt chỉ nên thực hiện từ từ. Thông thường thuốc hạ sốt hiện nay sau 30 phút uống bắt đầu có tác dụng, nhiệt độ giảm dần sau 1-2 giờ”, TS Dũng nói.

Không tùy tiện dùng thuốc kết hợp

Cũng có những bà mẹ lại quá lạm dụng thuốc. Sau khi hạ sốt có những trẻ 4 – 6 tiếng mới sốt lại một lần, đủ thời gian dùng thuốc cha mẹ có thể cho con uống tiếp thuốc hạ sốt. Nhưng với các trường hợp sốt vi rút, trẻ sốt lại rất nhanh, 2 – 3 tiếng sau khi uống thuốc hạ sốt đã sốt lại. Lúc này, nếu tiếp tục dùng thuốc thì chưa đủ thời gian (4 – 6 tiếng uống 1 lần). Để tránh nguy cơ này, sau khi trẻ hạ sốt và thấy có dấu hiệu cơn sốt trở lại, thân nhiệt trẻ tăng dần lên thì cha mẹ nên sử dụng biện pháp chườm ấm cho trẻ sẽ giúp hạ sốt (dù lâu hạ hơn dùng thuốc, tác dụng ngắn hơn).

TS Dũng cũng lưu ý, hiện nay, có một dòng thuốc với hoạt chất là ibuprofen cũng có tác dụng hạ sốt, nhưng đó không phải là nhóm thuốc ưu tiên dùng cho trẻ em. Các phụ huynh tuyệt đối không tùy tiện dùng thuốc kết hợp để hạ sốt nhanh cho con.

Rất nhiều mẹ khi đưa con khám đều hỏi liệu có thể dùng xen kẽ hai lại thuốc là paracetamol với thuốc hoạt chất ibuprofen được hay không, vì một số bác sĩ vẫn kê loại thuốc này để hạ sốt cho trẻ mà không dùng paracetamol. Nhiều người vì vậy cũng trở nên chủ quan, khi con sốt mè nheo không cho chườm ấm, dùng một loại thuốc không thấy hạ là bồi tiếp thêm loại thuốc kia, rất nguy hiểm.

Loại thuốc được ưu tiên dùng, ít tác dụng phụ với trẻ nhất vẫn là paracetamol với liều 15mg/kg cân nặng từ 4 – 6 tiếng uống một lần khi trẻ sốt 38,5 độ trở lên. Khi dùng thuốc đúng liều, các mẹ cũng cần phải kiên nhẫn vì cái gì cũng cần có thời gian. Với thuốc hạ sốt paracetamol sau uống khoảng gần 1 tiếng thuốc mới bắt đầu phát huy tác dụng và hạ sốt dần. Trong thời gian chờ thuốc có tác dụng, cha mẹ có thể chườm ấm cho trẻ vùng nách, bẹn để hạ sốt.

Tuyệt đối không tự ý dùng phối hợp thuốc. Vì dù không kéo thân nhiệt hạ xuống dưới nhiệt độ cơ thể cho phép, nhưng việc hạ nhiệt nhanh khi dùng hai loại thuốc phối hợp rất nguy hiểm, nhất là trên một đứa trẻ bị sốt vì nhiễm trùng. “Chúng tôi không bao giờ khuyến cáo dùng kết hợp để hạ sốt cho trẻ. Bởi những trẻ khi đã uống thuốc hạ sốt đúng liều lượng và chườm ấm mà vẫn tái sốt cao nhanh thì trẻ nên đến viện khám để được xác định nguy cơ”, TS Dũng nói.

Việc chỉ định loại thuốc nào là trên thực tế khám và cha mẹ cần thực hiện đúng đơn thuốc cho trẻ.

Chườm lạnh hay tắm ấm?

Một số bà mẹ khi có con bị sốt thì chườm lạnh cho con tuy nhiên đây là cách truyền nhiệt hiệu quả rất thấp. Một số ngâm con vào nước ấm – cách làm này trước đây nhiều người áp dụng tuy hiện nay thì không cần thiết.

Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng khuyến cáo không hạ nhiệt bằng vật lý, không đắp khăn lạnh, tắm lạnh hay hườm lạnh. Nhiều thí nghiệm cho thấy các biện pháp này chỉ làm trong trường hợp say nóng, say nắng còn sốt do bệnh lý nhiễm khuẩn thì không làm nữa. Theo đó, nghiên cứu cho thấy các biện pháp chườm lạnh tại chỗ, nếu chỉ chườm từng vùng (trán, nách..) thì thấy không có tác dụng hạ sốt mà có hai yếu tố bất lợi. Thứ nhất, nó khiến trẻ khó chịu thêm. Nhiều trẻ thấy sợ miếng dán lạnh, mỗi lần bị dán lên trán là lập tức khóc inh ỏi, đòi vứt đi. Thứ hai, với những trẻ bị viêm phổi khi sử dụng phương pháp chườm lạnh lại làm tăng việc sử dụng ôxy khiến bệnh phổi nặng thêm.

Ngoài ra, một số bà mẹ để hạ sốt cho con đã lấy nước đá cho vào túi nilong, bọc vải bên ngoài, rồi đặt vào hai bên người bé gần nách. Điều này là không nên, biện pháp chườm đá bị cấm vì có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp. Trong khi đó thực tế biện pháp này làm co mạch, khiến lỗ chân lông không “mở” để thân nhiệt thoát ra ngoài. Sờ thấy trẻ mát bên ngoài chỉ là cảm giác do đá lạnh mang lại, còn thực tế trẻ vẫn sốt cao.

Cách tốt và hiệu quả nhất là chườm ấm cho trẻ. Dùng khăn nhúng vào nước bằng nhiệt độ cơ thể trẻ (37 – 40 độ C), vắt bớt nước rồi đắp vào vùng bẹn, nách, cổ (những vùng nhiều nếp gấp ra) sẽ giúp lỗ chân lông mở, thoát nhiệt nhanh. Cần thay khăn liên tục, hết ấm lại thay để khăn không bị lạnh, không làm trẻ có cảm giác rét run do nước lạnh ngấm vào người.

Và nguyên tắc vô cùng quan trọng là cho trẻ uống đủ nước (tốt nhất là oresol) sẽ giúp hạ sốt hiệu quả.

(Sưu tầm)